|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát có thêm 18.000 cổ đông sau một năm, HPG tiếp tục là ‘cổ phiếu quốc dân’

12:05 | 30/03/2023
Chia sẻ
Tổng số cổ đông của Hòa Phát tại ngày chốt danh sách 27/2/2023 là hơn 179.000, tăng đáng kể so với năm 2022.

890 người tham dự đại hội cổ đông thường niên ngày 30/3/2023 của Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh: Đức Quyền).

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) chốt danh sách cổ đông vào ngày 27/2 để chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023. Theo công bố tại đại hội sáng nay 30/3, Hòa Phát có tổng cộng 179.108 cổ đông, tăng khoảng 18.000 so với ngày chốt quyền dự đại hội thường niên năm 2022.

Tính đến thời điểm bỏ phiếu, số cổ đông trực tiếp tham dự đại hội năm nay là 840 người (nhiều hơn 44 người so với đại hội năm ngoái) đại diện cho 1.211 cổ đông nắm giữ tổng cộng 3,89 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 66,91% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long vẫn là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát với tỷ lệ sở hữu 26,08%. Tính chung cả gia đình ông Long, tỷ lệ nắm giữ đạt trên 35% số cổ phiếu có quyền biểu quyết toàn tập đoàn. Ông Long cho rằng Hòa Phát hiện có số cổ đông nhiều nhất nhì Việt Nam.

Số cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát lên đỉnh mới trong năm 2023.

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 24/5 năm ngoái, đã có 796 người tham dự họp, đại diện cho 984 trên tổng số 161.205 cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát. Chủ tịch Trần Đình Long khi đó đã khẳng định Hòa Phát là doanh nghiệp có số cổ đông lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các cổ đông dự họp ngày 24/5/2022 nắm giữ xấp xỉ 2,79 tỷ cổ phiếu HPG, tương ứng với 62,37% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết khi đó.

Tổng số cổ đông tăng đáng kể khi Hòa Phát phát hành thêm hàng tỷ cổ phiếu trong năm 2022. Cụ thể, đại hội thường niên năm 2022 đã phê duyệt phương án chi trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 35% mệnh giá, bao gồm 30% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt.

Ngày 20/6/2022, Hòa Phát chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức. Ngày 19/7/2022, hơn 1,34 tỷ cổ phiếu HPG mà Hòa Phát phát hành thêm để trả cổ tức được niêm yết bổ sung trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Ngày 26/7, các cổ phiếu này bắt đầu được giao dịch.

Sau đợt cổ tức này, tổng số cổ phiếu HPG lưu hành tăng từ khoảng 4,47 tỷ lên 5,81 tỷ đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ của Hòa Phát đi từ 44.729 tỷ đồng lên 58.148 tỷ đồng.

Trong khi khối lượng niêm yết tăng lên do trả cổ tức, giá cổ phiếu HPG (đã điều chỉnh) lại sa sút rõ rệt giữa bối cảnh giá bán thép giảm, nhu cầu tiêu thụ yếu, nhiều doanh nghiệp thép làm ăn “thê thảm”.

Bản thân Hòa Phát báo lỗ hợp nhất 1.786 tỷ đồng trong quý III và 1.999 tỷ đồng trong quý IV/2022. Đây là các khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử của Hòa Phát, cũng là lần đầu tiên tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long báo lỗ hai quý liên tiếp.

Giá cổ phiếu HPG hiện còn thấp hơn nhiều so với đầu năm 2022.

Kết phiên 29/3/2023, giá cổ phiếu HPG dừng ở 20.800 đồng/cp, thấp hơn 41% so với đầu năm 2022 nhưng tăng 15,56% so với đầu năm 2023. Vốn hóa của Hòa Phát hiện nay đạt 120.948 tỷ đồng, đứng thứ 9 ở HOSE và thứ 10 trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Hết phiên sáng 30/3, giá HPG nhích 0,2% lên 20.850 đồng/cp.

Ở đỉnh của năm 2022 (ngày 7/3), Hòa Phát có vốn hóa 220.880 tỷ đồng. Tại đỉnh lịch sử (28/10/2021), giá trị thị trường của tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam là 255.270 tỷ đồng, tức khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 4 toàn thị trường chứng khoán chỉ sau Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM), Vingroup (VIC). 

Hòa Phát hiện có vốn hóa đứng thứ 9 sàn HOSE và thứ 10 thị trường chứng khoán Việt Nam do còn xếp sau Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) ở thị trường UPCoM.

Xét về số cổ phiếu đang lưu hành, Hòa Phát xếp thứ 2 toàn thị trường Việt Nam chỉ sau con số 6,7 tỷ đơn vị VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB).

Đức Quyền