|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 giảm còn 8.000 tỷ, không trả cổ tức tiền mặt

14:33 | 22/02/2023
Chia sẻ
Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng, biên lãi thuần 5,33%.

Đại hội cổ đông năm 2022 của Hòa Phát. (Ảnh: Đức Quyền).

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa công bố một số nội dung dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 30/3/2023 tới đây.

Cụ thể, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 bao gồm doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn 8.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ biên lãi thuần 5,33%.

Năm 2022 vừa qua, Hòa Phát đạt doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 141.409 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 8.444 tỷ, đều thấp hơn mục tiêu do đại hội cổ đông đề ra là 160.000 tỷ đồng doanh thu và 25.000 – 30.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Hội đồng quản trị đề xuất trích quỹ khen thưởng phúc lợi 42,2 tỷ đồng, không trích quỹ thù lao Hội đồng quản trị và Quỹ Khen thưởng Ban Điều hành vì kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch.

Mục tiêu lợi nhuận năm 2023 của Hòa Phát tương đương với mức thực hiện năm 2021 và tăng nhẹ so với kết quả năm 2022.

Với phần lợi nhuận còn lại là 8.402 tỷ đồng, Hội đồng quản trị Hòa Phát đề xuất sử dụng toàn bộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa với việc không trả cổ tức tiền mặt năm 2022. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là lần đầu tiên Hòa Phát không trả cổ tức sau ba năm 2019 - 2021.

Năm 2022, Hòa Phát không đạt kế hoạch lợi nhuận và dự kiến không trả cổ tức.

Tháng 1 vừa qua, Hòa Phát tiêu thụ 402.000 tấn thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC), giảm 36% so với cùng kỳ 2022. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu ngành thép trong tháng 1 với thị phần 36,05% đối với thép xây dựng và 26,74% đối với thép ống.

Sản lượng sản xuất trong tháng 1 không đổi so với tháng 12/2022 ở mức 392.000 tấn, tương đương với công suất hoạt động ước tính 55%.

Chứng khoán SSI cho biết Hòa Phát đã khởi động lại một lò cao tại Khu Liên hợp Hải Dương vào tháng 12/2022 và công ty đang xem xét khởi động lại ba lò cao khác trong nửa đầu năm 2023. Nếu công suất được cải thiện, tỷ trọng chi phí cố định trong giá thành sẽ hạ xuống và lợi nhuận có thể khả quan hơn.

Hồi tháng 11, Hòa Phát đã phải tạm thời đóng 4 lò cao do nhu cầu tiêu thụ yếu, tồn kho cao. Việc hoạt động dưới công suất đã ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh, góp phần khiến cho Hòa Phát lỗ ròng quý thứ hai liên tiếp và lỗ gộp lần đầu tiên kể từ quý IV/2008.

Hòa Phát ghi nhận lãi gộp và lỗ thuần trong quý III, sau đó vừa lỗ gộp vừa lỗ thuần trong quý IV.

Chứng khoán SSI ước tính sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát trong năm 2023 sẽ giảm 4,7% so với 2022 và đạt 4,1 triệu tấn do sự chững lại của thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô.

Sản lượng HRC có thể giảm 12% còn 2,3 triệu tấn so với mức đỉnh trong năm 2022. Sản lượng phôi thép được dự báo đạt 240.000 tấn, sụt 17%. Sản lượng thép thô trong năm 2023 dự kiến là 6,6 triệu tấn, giảm 8,3% so với mức tiêu thụ 7,2 triệu tấn của năm vừa qua. Công suất hoạt động của năm 2023 được dự báo đạt 76%, trong khi con số của cả năm 2022 là 85%.

SSI dự báo doanh thu năm 2023 của Hòa Phát sẽ giảm 14% còn 121.000 tỷ đồng do cả sản lượng tiêu thụ và giá bán cho khách hàng đều giảm. Lợi nhuận ròng ước tính sẽ phục hồi 15% so với cùng kỳ và đạt 9.700 tỷ đồng nhờ giá thép ổn định hơn và giảm ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao.

Kế hoạch lợi nhuận 8.000 tỷ mà lãnh đạo Hòa Phát lập ra cho năm 2023 thấp hơn so với con số 9.700 tỷ mà Chứng khoán SSI dự báo. Ngược lại, mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng khả quan hơn dự báo.

Chứng khoán KBSV có cái nhìn tiêu cực hơn khi cho rằng Hòa Phát sẽ chỉ có lãi 3.799 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 55% so với năm ngoái. Tổng tiêu thụ có thể đạt 6,95 triệu tấn, giảm 16%, doanh thu dự kiến 126.770 tỷ đồng, giảm 10%.

Riêng với quý I này, KBSV ước tính sản lượng tiêu thụ khoảng 1,45 triệu tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thép thanh và HRC lần lượt là 796.250 tấn và 412.500 tấn.

Doanh thu quý I dự phóng đạt 24.588 tỷ đồng, giảm 44%; lỗ sau thuế ước tính khoảng 130 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá nguyên vật liệu trong quý I/2023 hồi phục về vùng của quý II và III/2022.

Trong năm vừa qua, Hòa Phát có lãi ròng trong quý I và II, sau đó thua lỗ trong quý III và IV. Nếu dự báo của KBSV trở thành hiện thực thì Hòa Phát sẽ thua lỗ quý thứ ba liên tiếp. 

Theo Chứng khoán KBSV, Hòa Phát có khả năng thua lỗ ba quý liên tiếp.

Đức Quyền