SSI dự báo lợi nhuận của Hòa Phát hồi phục 15% lên 9.700 tỷ đồng năm 2023
Tháng 1 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiêu thụ 402.000 tấn thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC), giảm 36% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, riêng tiêu thụ thép xây dựng là 304.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ. Chứng khoán SSI đánh giá mức giảm này là không quá lớn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài rơi vào tháng 1, trong khi năm ngoái rơi vào tháng 2.
Tuy nhiên, sản lượng HRC sụt tới 62% xuống còn 86.000 tấn, sản lượng phôi thép cũng lao dốc 50% còn 21.000 tấn. Sản lượng sản xuất trong tháng 1 không đổi so với tháng trước ở mức 392.000 tấn, tương đương với công suất hoạt động ước tính 55%.
SSI cho biết Hòa Phát đã khởi động lại một lò cao tại Khu Liên hợp Hải Dương vào tháng 12/2022 và công ty đang xem xét khởi động lại ba lò cao khác trong nửa đầu năm 2023. Nếu công suất được cải thiện, tỷ trọng chi phí cố định trong giá thành sẽ hạ xuống và lợi nhuận có thể khả quan hơn.
Hồi tháng 11, Hòa Phát đã phải tạm thời đóng 4 lò cao do nhu cầu tiêu thụ yếu, tồn kho cao. Việc hoạt động dưới công suất đã ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh, góp phần khiến cho Hòa Phát lỗ ròng quý thứ hai liên tiếp và lỗ gộp lần đầu tiên kể từ quý IV/2008.
Trong ba tháng qua, giá thép xây dựng trung bình đã phục hồi khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, tương đương 8%. SSI đánh giá mức tăng giá thành phẩm trong nước như vậy là thấp so với mức tăng 20% của giá Trung Quốc, hay mức tăng trung bình 25% của giá quặng sắt và than cốc.
Mặt khác, giá thép HRC, thường có mối tương quan cao hơn với giá trong khu vực, đã tăng hơn 20% trong hai tháng qua. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn yếu, với khối lượng giảm khoảng 30% mỗi tháng trong ba tháng liên tiếp vừa qua, nguyên nhân là nhu cầu thấp đối với các sản phẩm hạ nguồn, đặc biệt là tôn mạ.
Nhu cầu của Trung Quốc cải thiện nhờ chính sách mở cửa trở lại sau ba năm Zero COVID, giúp giá thép khu vực phục hồi tích cực trong ba tháng qua và trở nên ổn định hơn trong năm 2023 sau năm 2022 thực sự khó khăn.
Tuy nhiên, giá thép khó quay trở lại xu hướng tăng do nhu cầu của Trung Quốc được kỳ vọng chỉ phục hồi khiêm tốn sau khi doanh số bán nhà giảm mạnh trong năm 2022, và việc mở cửa trở lại cũng sẽ làm tăng nguồn cung, SSI cho hay.
Ngoài ra, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với khối lượng xuất khẩu của Hòa Phát có thể không đáng kể do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với giá thép Trung Quốc.
Chứng khoán SSI ước tính sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát trong năm nay sẽ giảm 4,7% so với 2022 và đạt 4,1 triệu tấn do sự chững lại của thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô.
Sản lượng HRC có thể giảm 12% còn 2,3 triệu tấn so với mức đỉnh trong năm 2022. Sản lượng phôi thép được dự báo đạt 240.000 tấn, sụt 17%. Sản lượng thép thô trong năm 2023 dự kiến là 6,6 triệu tấn, giảm 8,3% so với mức tiêu thụ 7,2 triệu tấn của năm vừa qua. Công suất hoạt động của năm 2023 được dự báo đạt 76%, trong khi con số của cả năm 2022 là 85%.
- TIN LIÊN QUAN
-
Doanh nghiệp thép cắt giảm hàng tồn kho trong nửa cuối năm, vòng quay thành phẩm chậm lại 13/02/2023 - 17:51
SSI dự báo doanh thu năm 2023 của Hòa Phát sẽ giảm 14% còn 121.000 tỷ đồng do cả sản lượng tiêu thụ và giá bán cho khách hàng đều giảm. Lợi nhuận ròng ước tính sẽ phục hồi 15% so với cùng kỳ và đạt 9.700 tỷ đồng nhờ giá thép ổn định hơn và giảm ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu ngành thép trong tháng 1 với thị phần 36,05% đối với thép xây dựng và 26,74% đối với thép ống.