|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Thép Nam Kim: Quý I ước lỗ 50 tỷ nhưng vẫn tốt hơn các đơn vị cùng ngành, tự tin hoàn thành kế hoạch năm nhờ giá vốn tồn kho thấp

10:00 | 21/04/2023
Chia sẻ
Người đứng đầu Thép Nam Kim thông tin công ty ước quý I lỗ gần 50 tỷ đồng, song nhận định mức lỗ này vẫn tốt hơn so với các đơn vị cùng ngành và cải thiện nhiều so với hai quý cuối năm ngoái.

Chủ tọa đoàn ĐHĐCĐ Thép Nam Kim. (Ảnh: Minh Hằng).

Sáng 21/4, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 với tổng cộng 580 cổ đông tham dự và ủy quyền, đại diện cho 134,9 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 51,25% số cổ phần có quyền biểu quyết, xét tại thời điểm 9h15.

Tóm tắt hoạt động năm 2022, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc NKG cho biết tổng tiêu thụ sản phẩm tôn mạ (gồm nội địa và xuất khẩu) giảm gần 22% so với năm 2021 và chưa thể bằng với giai đoạn trước dịch. "Dù đã qua dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ vẫn sụt giảm", ông Vũ nói.

Với sản phẩm tôn mạ, sản lượng bán hàng của NKG năm 2022 bằng 76% so với 2021. Với ống thép, tổng sản lượng nhìn chung tăng nhẹ.

Năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ của NKG là 875.231 tấn, trong đó hoạt động xuất khẩu chung chiếm 57%, tiêu thụ nội địa chiếm 43%.

"Thị phần của NKG năm 2022 là 17%", ông Vũ thông tin. Tuy nhiên ông lưu ý đây chỉ là con số tương đối vì mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tính toán khác nhau.

Việc thua lỗ năm 2022 được ông Vũ nhận định do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, làn sóng cắt giảm chi tiêu toàn cầu đến tất cả hàng hóa khiến việc xuất khẩu của NKG không thuận lợi. Lãi suất tăng cao khiến các hoạt động đầu tư suy giảm.

Với thị trường trong nước, thị trường bất động sản đóng băng, các vấn đề của trái phiếu,… đã ảnh hưởng lớn tới tình hình tiêu thụ sắt thép của NKG. Nửa sau 2022, giá thép HRC đã giảm mạnh từ 950 USD/tấn về 530 USD/tấn.

Vị Tổng Giám đốc NKG bày tỏ, những yếu tố trên khiến NKG “bất ngờ”, không thể xoay chuyển kịp.

"Do đó sang năm 2023, NKG sẽ nhìn với mục tiêu ngắn hạn để thận trọng trước những thay đổi bất ngờ nhằm có những linh hoạt trong điều hành", ông Vũ nói.

Năm 2023, NKG đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, giảm 13,5% so với kết quả kiểm toán năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 400 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ gần 107 tỷ đồng. Tổng sản lượng dự kiến là 940.000 tấn, tăng khoảng 7%.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Ban lãnh đạo NKG nhận định năm 2023 sẽ là một năm cực kỳ nhiều thách thức. Biến động giá nguyên liệu đầu vào, chất đốt... vẫn rất khó lường; rủi ro về lạm phát  tăng cao, khiến nhu cầu về xây dựng suy giảm; kinh tế thế giới đối diện với khủng hoảng khi lãi suất tăng cao, các dự án triển khai ngày một ít đi trong khi chi phí lãi vay toàn cầu tăng mạnh; mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm về tôn mạ và ống thép.

Thị trường nội địa sẽ khó khởi sắc khi các dự án bất động sản năm 2023 dự kiến tiếp tục chìm trong khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng cao, pháp lý tắc nghẽn. Ngoài ra, nguồn vốn FDI cũng sẽ dự kiến tăng trưởng chậm hơn dự kiến do ảnh hưởng của việc mất giá tiền tệ diễn ra trên toàn cầu.

Trong trường hợp kinh tế các nước suy yếu nhanh hơn dự kiến, các chính sách bảo hộ thương mại có thể sẽ xuất hiện nhằm bảo vệ nguồn sản xuất trong nước.

Nhìn chung, công ty cho rằng thị trường năm 2023 sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng nhưng những gì khó khăn nhất đã qua.

Về cổ tức, Hội đồng quản trị (HĐQT) NKG trình cổ đông thông qua không trích lập các quỹ và không chi trả cổ tức năm 2022 do lợi nhuận sau thuế năm ngoái âm, trong khi kế hoạch năm ngoái tỷ lệ cổ tức tối đa là 10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Đối với năm 2023, HĐQT trình cổ đông ủy quyền để xem xét quyết định với tỷ lệ phù hợp. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty.

HĐQT NKG cũng trình cổ đông phương án tiếp tục thực hiện sáp nhập Công ty TNHH Dae Myung Paper Việt Nam được công ty sở hữu 100% vốn điều lệ. Thực tế, đây chỉ là hoạt động mua đất để đầu tư kho hàng của NKG. 

*Phần Thảo luận:

Câu hỏi: Kế hoạch kinh doanh năm 2023 dựa trên cơ sở nào?

Kế hoạch doanh thu là 20.000 tỷ đồng dựa trên giá thép cán nóng (HRC) khoảng 600 - 700 USD/tấn. Mục tiêu lợi nhuận được xác định dựa trên hàng tồn kho hiện tại và các quý tới. Tính tới quý I/2023, công ty không trích thêm dự phòng tồn kho.

Chủ tịch Hồ Minh Quang cho biết, với giá thép bình quân năm nay, công ty tự tin có thể hoàn thành kế hoạch năm với giá vốn tồn kho thấp.

Kết quả kinh doanh quý I/2023?

Công ty dự kiến doanh thu khoảng 4.400 tỷ đồng, lỗ gần 50 tỷ trong quý I.

Chủ tịch NKG nhận định, tình hình quý đầu năm còn nhiều khó khăn, do nghỉ tết và giá cả vừa được ổn định. Nhìn chung kết quả quý I của NKG đã tương đối tốt hơn so với các đơn vị cùng ngành, dù có lỗ nhưng đã giảm thiểu so với hai quý cuối năm rất nhiều.

Quý II/2023 dự báo sẽ khả quan hơn, sáng sủa hơn.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Dự báo chung về kết quả ngành thép năm 2023?

Ông Võ Hoàng Vũ cho biết, từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đều nghĩ khó khăn của ngành thép đã qua và NKG cũng nghĩ vậy. Nhưng thực tế thì không như vậy, nhu cầu tiêu thụ quốc tế suy yếu, nền kinh tế trong nước chưa khởi sắc khiến sức mua thấp, bên cạnh đó rủi ro biến động giá thép vẫn còn hiện hữu.

Lợi nhuận của NKG đã tạo đáy chưa? Ngành thép hiện tại đã khởi sắc chưa?

Ông Hồ Minh Quang nhận định những khó khăn của ngành thép đã qua, lợi nhuận của NKG đã tạo đáy và dự báo tương lai sẽ tốt hơn. Còn nếu nói khởi sắc chưa thì còn phụ thuộc vào những yếu tố khác: bất động sản, thu nhập người dân,… 

Hiện tại giá HRC giảm, công ty có đầu cơ nguyên liệu không?

Tổng Giám đốc cho biết, do xác định năm 2023 cần cẩn trọng và nhìn trong ngắn hạn nên công ty không có hoạt động đẩy mạnh mua quá mức hay đầu cơ nguyên liệu.

Đơn hàng xuất khẩu của NKG đã được chốt tới đâu?

Hiện đơn hàng xuất khẩu của NKG đã chốt được trên 2 tháng với giá bán tương đối tốt.

Chính sách hàng tồn kho của NKG ra sao? Tình hình xuất khẩu hiện tại?

Hàng tồn kho năm 2022 tương đối cao so với sản lượng bán hàng bình quân của doanh nghiệp. Tại cuối quý I, tổng tồn kho của NKG khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm 1.500 tỷ so với đầu năm. 

Vấn đề quản trị hàng tồn kho xuất hiện từ đầu quý III/2022, ban điều hành cũng gặp khó khăn và bất ngờ.

Quý III, IV năm ngoái, thị trường gần mất thanh khoản, nhất là thị trường xuất khẩu. Chu kì giá đi xuống từ giữa quý II, nhưng đến tháng 11,12 giá hàng hóa có xu hướng tạo đáy và bắt đầu đi lên lại. Trong khi các doanh nghiệp khác muốn giảm tối đa hàng tồn kho, quan điểm của NKG thì chấp nhận phải nhập hàng vào để chuẩn bị cho hoạt động quý I/2023 dù thời điểm đó lượng hàng tồn kho của công ty đã tương đối tốt.

Hiện giá thép HRC đang về vùng 650 USD/tấn, "về mức an toàn đối với công ty". Giá vốn hiện tại của NKG cũng tương đối tốt, đảm bảo quý II sẽ có lời.

Giá thép HRC bên Mỹ tăng mạnh từ đầu năm, NKG hưởng lợi gì?

Giá HRC tại Mỹ đang rất cao, trên 1.000 USD/tấn, cao hơn vài trăm USD/tấn so với các khu vực khác. Tuy nhiên hiện tại, nhu cầu ở Mỹ không tốt. Bên cạnh đó, giá cước vận tải đi Mỹ rất cao, gần như không giảm. Ngoài ra, các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ phải chịu thuế 25%. Do đó muốn xuất khẩu sang Mỹ, NKG có thể phải bỏ ra thêm 400 - 500 USD/tấn. Do đó hiện tại NKG đang tập trung xuất khẩu chính qua châu Âu và Australia.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép ảnh hưởng gì tới NKG?

Hiện Trung Quốc dù quan trọng nhưng vẫn chưa phải là thị trường dẫn dắt giá thép cán nóng HRC. Thị trường thép của đất nước tỷ dân này nếu tăng trưởng tốt sẽ là tin tốt cho ngành thép toàn cầu, vì sẽ giảm được tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép xuất khẩu.

Khi nào NKG sẽ được cấp lại margin?

6 tháng đầu năm nay, nếu công ty có lời thì cổ phiếu sẽ được cấp lại margin. Ông Quang kỳ vọng xác suất để điều này thành hiện thực trên 70%.

Vì sao công ty không chia cổ tức?

Chủ tịch Hồ Minh Quang: "Với vai trò là người đứng đầu và cũng là cổ đông lớn, tôi rất áy náy khi không chia cổ tức cho cổ đông năm nay".

Hiện lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của NKG còn trên 1.600 tỷ nhưng với tình hình hiện tại của thị trường chung rất khó khăn, công ty chưa thể chia được. "Không thể nào vì lợi ích nhỏ mà quên đi lợi ích lớn. Mong cổ đông thông cảm", ông Quang nói.

Minh Hằng