|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao startup Việt phải quan tâm đến thương hiệu ngay từ đầu?

20:34 | 13/11/2016
Chia sẻ
Xây dựng thương hiệu là cả quá trình song hành cùng phát triển doanh nghiệp. Các startup Việt càng cần phải chú ý vấn đề này hơn khi môi trường kinh doanh ở Việt Nam được đánh giá là “có khả năng bắt trước quá nhanh”.

Sáng ngày 13/11, vấn đề xây dựng thương hiệu và bảo vệ sở hữu trí tuệ được đề cập trong phạm vi Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techfest) 2016. Buổi thảo luận lập tức nóng lên ngay khi Mr. Lucien Bolliger, đại diện Công ty Soyon Vietnam, cho khán giả xem và đoán tên một loạt logo các đơn vị nổi tiếng như Nike, Apple, Hội chữ thập đỏ…

Cả hội trường bỗng lắng lại khi khách mời chiếu đến biểu tượng chữ Vạn trên lá cờ của Đức quốc xã. Đáp lại, ông Lucien Bolliger nói: “Nếu để người Châu Âu nhìn thấy biểu tượng này, chắc hẳn họ còn tỏ rõ sự sợ hãi hơn cả các bạn. Điều đó lý giải cho việc gắn kết giữa logo biểu tượng với cảm xúc và suy nghĩ của người xem”.

vi sao startup viet phai quan tam den thuong hieu ngay tu dau
"Trong môi trường có quá nhiều startup "fake" thì doanh nghiệp cần là chính mình để tạo giá trị riêng", Mr. Lucien Bolliger (Ảnh: Linh Lê)

Tương tự, ẩn sau mỗi logo của các doanh nghiệp cũng có những câu chuyện và nội dung đi kèm, mang đến cảm xúc cho khách hàng. Ông khẳng định, logo chỉ là cái hữu hình mà khán giả nhìn thấy được, còn thương hiệu là nền tảng của doanh nghiệp, bao gồm cả chất lượng sản phẩm, thái độ, cách ứng xử của doanh nghiệp với khách hàng…

Câu chuyện về New Coke, một sản phẩm Coca Cola tung ra vào năm 1985 thay thế cho sản phẩm nguyên thủy nhưng lập tức bị tẩy chay, là ví dụ điển hình cho việc doanh nghiệp không quan tâm đến cảm nhận của khách hàng. Chính doanh nghiệp đã đánh giá quá thấp tình cảm mà người dùng dành cho sản phẩm nước giải khát truyền thống của mình.

Đi sâu vào vấn đề quản trị thương hiệu của các startup tại Việt Nam, TS. Trần Lê Hồng, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng quyền sở hữu trí tuệ là nền tảng pháp lý cho tài sản trí tuệ của startup. Vấn đề này cần đặc biệt chú ý trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, khi mà “khả năng bắt chước và phát triển trên cơ sở ý tưởng của người khác vô cùng nhanh”.

vi sao startup viet phai quan tam den thuong hieu ngay tu dau

“Sự độc quyền dựa trên quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm tăng tính cạnh tranh và nâng giá trị của startup. Các đơn vị khởi nghiệp rất dễ bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề tranh chấp, kiện tụng… Vì vậy, quyền này sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh suôn sẻ cho họ”. TS. Hồng lý giải.

Cùng chung quan điểm, PGS. Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, trường Đại học Thương Mại cho biết có đến 80% doanh nghiệp trả lời trong một khảo sát rằng muốn làm thương hiệu nhưng… chưa có tiền.

“Các startup đừng nghĩ đến chuyện chỉ làm thương hiệu khi đã có tiền, bởi xây dựng thương hiệu là tạo một bộ nhận biết trong đầu công chúng ngay từ đầu và duy trì liên tục. Xôi Yến ban đầu cũng chỉ là một thúng xôi vỉa hè thôi mà”, PGS. Thịnh lấy ví dụ.

Hiện nay, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tận dụng rất nhiều kênh truyền thông làm thương hiệu mà không hề tốn kém như mạng xã hội facebook, twitter, google…

Để khẳng định tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu, thầy nhắc lại thương vụ Công ty bia Huế được bán với giá hơn 1.800 tỷ VNĐ, trong đó có đến 1.000 tỷ VNĐ là giá trị thương hiệu Hura.

Thầy nhấn mạnh: “Người ta có thể dễ dàng sao chép một sản phẩm nhưng rất khó bắt chước cách thức hoạt động của một tổ chức. Việc xây dựng thương hiệu chỉ thành công khi doanh nghiệp khiến khách hàng “thấu hiểu”, chứ không đơn thuần là “nhận ra” mình”.

Linh Lê