|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao nhiều người Việt trồng cần sa ở Anh?

08:53 | 31/10/2019
Chia sẻ
Hơn 20 phòng trong hầm ngầm thời Thế chiến II được biến thành trang trại có khả năng sản xuất số cần sa trị giá gần 2,5 triệu USD mỗi năm. Cảnh sát bắt ba người Việt và sau đó trục xuất họ về Việt Nam.

Bệnh viện bỏ hoang, nhà kho vô chủ hay các căn nhà ở ngoại ô đều có thể là vỏ bọc của những trang trại cần sa tại Anh, số nhiều trong đó được vận hành bởi người Việt. 

Năm 2017, cảnh sát Anh phá mạng lưới hàng chục trang trại cần sa của băng đảng 21 người Việt, tịch thu 2,5 tấn cần sa trị giá khoảng 6 triệu bảng Anh (7,7 triệu USD). Kẻ cầm đầu Bang Xuan Luong, 44 tuổi, bị kết án 8 năm tù. Những kẻ còn lại bị kết án 5-6 năm.

Vì sao nhiều người Việt trồng cần sa ở Anh? - Ảnh 1.

Một trang trại cần sa ở Anh bị phát hiện năm 2018. Ảnh: Reuters.

Anh cho phép sử dụng cần sa cho mục đích y tế nhưng cấm dùng nó cho mục đích tiêu khiển. Dù vậy, cần sa vẫn được sử dụng rộng rãi trên khắp nước Anh. Năm 2017, ước tính 7,2% người Anh trong độ tuổi 16-59 đã sử dụng cần sa, khiến nó trở thành loại ma túy phổ biến nhất nước này.

Cần sa là ma túy loại B, chung nhóm với ketamine và amphetamine. Người tàng trữ ma túy loại này có thể bị phạt tù lên đến 5 năm. Người cung cấp và sản xuất ma túy loại B đối mặt án tù lên đến 14 năm.

Trong khi đó, ma túy đá, cocaine, thuốc lắc, heroin và thuốc gây ảo giác LSD là ma túy loại A. Người tàng trữ có thể bị phạt tù lên đến 7 năm. Người cung cấp và sản xuất có nguy cơ đối mặt án tù chung thân.

Trong vài năm gần đây, cảnh sát Anh đang nương tay với hành vi sử dụng cần sa để tập trung vào những ưu tiên cấp bách hơn. Người dùng cần sa nhiều khả năng bị cảnh cáo hơn là bị truy tố. Năm 2017, 15.120 người ở Anh và xứ Wales bị truy tố vì sở hữu cần sa, giảm 19% so với năm 2015.

Năm 2015, cảnh sát hạt Durham tuyên bố họ sẽ không còn nhắm mục tiêu vào những người trồng cần sa để sử dụng cho cá nhân trừ khi họ làm việc đó "một cách trắng trợn". Cảnh sát Derbyshire, Dorset và Surrey cũng học theo cách tiếp cận này do bị cắt giảm ngân sách.

Có ba làn sóng người Việt nhập cư vào Anh, theo nghiên cứu năm 2010 về tội phạm có tổ chức trong cộng đồng người Việt ở Anh của hai tác giả Silverstone D. và S. Savage. Làn sóng thứ nhất diễn ra sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, nhiều người đến định cư ở London và miền đông nam nước Anh. 

Làn sóng thứ hai diễn ra vào những năm 1990, khi những người Việt không giấy tờ vốn sống ở các quốc gia thuộc Liên Xô và những nơi khác ở Đông Âu đổ sang Anh. Cuối những năm 2000, người Việt từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung tìm đường đến Anh để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Ước tính 35.000 người Việt không giấy tờ sống ở Anh năm 2010.

Từ giữa những năm 1990, các băng đảng tội phạm người Việt ở Vancouver, Canada có tiếng là am hiểu cách thức trồng cần sa. Năm 2004, chính phủ Anh phân cần sa thành ma túy loại C thay vì ma túy loại B (quyết định này bị đảo ngược vào năm 2009). Người tàng trữ ma túy loại C đối mặt với nguy cơ hai năm tù còn kẻ cung cấp đối mặt án tù lên tới 14 năm.

Động thái này khiến nhiều nhóm tội phạm Việt nhanh chóng chuyển địa bàn từ Canada sang Anh, theo nghiên cứu của Trang Nguyen, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Max Weber về Nghiên cứu Văn hóa và Xã hội ở Đức. 

Họ biến những ngôi nhà lớn thành trang trại trồng cần sa bí mật, thuê nhà bằng cách sử dụng giấy tờ tùy thân giả hoặc đánh cắp. Chi phí thiết lập một trang trại dao động trong khoảng 15.000 - 50.000 bảng Anh trong khi lợi nhuận hàng năm từ một trang trại lên đến 200.000 - 500.000 bảng.

Những lao động chăm sóc trang trại cần sa có thể là những thiếu niên bị bắt cóc đưa sang Anh để làm "nô lệ" cho những băng đảng Việt. 96% số nạn nhân buôn người bị buộc trồng cần sa ở Anh năm 2012 là người Việt, 81% trong số đó là trẻ em.

Cũng có những người tự nguyện trả cho kẻ buôn người khoảng 10.000 - 40.000 USD để được đưa sang Anh vì tin vào triển vọng có công việc lương cao ở nước ngoài. 

Cảm thấy buồn chán với cuộc sống ở nông thôn và thiếu cơ hội việc làm, sức quyến rũ từ cơ hội làm giàu ở nước ngoài đủ để cám dỗ nhiều người dấn thân vào những chuyến đi đầy rủi ro. Những người này thường vào Anh bằng cách trốn trong xe container đông lạnh, đối mặt với nguy cơ chết cóng hoặc chết ngạt.

Khi đến Anh, người nhập cư trái phép không có nhiều lựa chọn việc làm. Ngoài trồng cần sa, họ chỉ có thể làm việc trong các tiệm nail, làm chui cho các nhà hàng hay bị ép hành nghề mại dâm. Trồng cần sa là "nghề" kiếm được thu nhập cao hơn, có thể giúp họ gửi tiền về cho gia đình để trả nợ.

Mùa vụ cần sa được thu hoạch sau mỗi hai tháng. Người chăm sóc trang trại kiếm được 7.000 - 10.000 bảng Anh mỗi mùa vụ. Vì vậy, họ quan niệm rằng chỉ cần 2 trong 4 vụ mùa không bị cảnh sát tịch thu hoặc bị một băng đảng khác cướp, họ chỉ mất nửa năm để trả chi phí đi lậu đến Anh và để dành được khoản tiền lớn.

Những băng đảng Việt muốn tuyển mộ lao động Việt thay vì người nước khác vì dễ giao tiếp và kiểm soát họ. Các lao động Việt này thường xuất thân từ nông thôn và hầu như không biết hoặc biết ít tiếng Anh. Họ khó có thể khai ra thông tin có giá trị nếu bị cảnh sát Anh bắt.

Vì vậy, các băng đảng chiêu mộ "lính mới" từ Việt Nam, cho họ chỗ ở hay giúp họ mở tài khoản khi đến Anh. Đổi lại, những "lính mới" phải làm việc cho họ và không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bóc lột hay lạm dụng, theo nghiên cứu năm 2010 của Silverstone D. và S. Savage.

Nhiều người Việt còn tin họ có thể trồng cần sa ở Anh mà không bị phát hiện. Họ cho rằng ngay cả khi bị bắt, họ cũng sẽ chỉ bị phạt tù tối đa 6 tháng.

Cuong Nguyen, 41 tuổi, quê ở Hải Phòng, năm 2008 trả 15.000 USD cho những kẻ buôn người để được đưa sang Anh. Cuong làm việc cho trang trại cần sa ở Bristol và suýt bị cảnh sát tóm trong một cuộc đột kích. Anh ta sau đó đến London, bán cần sa và "đào tạo" những người trồng cần mới.

Năm 2014, Cuong bị bắt khi đang hút cần và dấu vân tay cho thấy anh ta có liên quan tới trang trại cần sa bị cảnh sát đột kích ở Bristol. Cuong bị kết án 10 tháng tù với tội trồng cần sa và cuối cùng bị trục xuất.

Cuong Nguyen nằm trong số 1.600 người Việt Nam bị yêu cầu về nước bằng hình thức tự nguyện hoặc ép buộc từ năm 2014, trong đó có ít nhất 22 người dưới độ tuổi 14, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Anh.

Theo chuyên gia chống nạn buôn người Mimi Vu, một số người quay trở lại Việt Nam trong nợ nần và có nguy cơ tiếp tục trở thành nạn nhân của những băng đảng.

Đối với Cuong, bắt đầu lại cuộc sống ở Việt Nam rất khó khăn. Tuy nhiên, Cuong cho biết anh đã thay đổi và hy vọng có thể mở một tiệm salon tóc. "Ngày trước tôi phải tỏ ra hung hăng, nhưng bây giờ tôi phải thật nhẹ nhàng, hòa nhã", Cuong nói.

Phương Vũ