|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Rao bán cần sa, ngà voi trên sàn thương mại điện tử

20:41 | 19/09/2019
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng kinh doanh trực tuyến đang phát triển mạnh và đem lại nhiều lợi ích cho người dùng. Tuy nhiên, cần sớm hoàn thiện khung pháp lí để hạn chế những rủi ro.

Ngày 19/9, buổi tọa đàm “Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử” đã diễn ra tại trụ sở Tổng cục Hải quan.

Nêu khái quát về tình hình hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) thời gian qua, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết năm 2018, Cổng thông tin hoạt động TMĐT có 34.000 doanh nghiệp đăng ký, 12.000 tài khoản cá nhân, 4.000 hồ sơ đăng ký.

Rao bán cần sa, ngà voi trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Thương mại điện tử & Kinh tế số. Ảnh: Văn Hưng.

Ông Vũ Hùng Sơn, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389, đánh giá hoạt động mua bán trực tuyến đem lại giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Tuy nhiên, lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống sản xuất, kinh doanh.

Ông Sơn lấy ví dụ mặt hàng xì gà nhập lậu. Sau khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, không còn tình trạng bày bán công khai xì gà không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ tại các cửa hàng.

Dẫu vậy, trên môi trường TMĐT, dễ dàng thấy nhiều đối tượng rao bán xì gà lậu, thậm chí cả cần sa, ngà voi.

Ông Sơn cũng chỉ ra hành vi lợi dụng các website bán hàng uy tín hay lấy logo của Bộ Công Thương để rao bán hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Theo đại diện Ban chỉ đạo 389, môi trường kinh doanh truyền thống tồn tại mặt hạn chế nào, hoạt động TMĐT đều có và có phần phức tạp hơn.

Rao bán cần sa, ngà voi trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Ông Vũ Hùng Sơn cho biết nhiều đối tượng rao bán mặt hàng cấm trên sàn TMĐT. Ảnh: Văn Hưng.

Đồng quan điểm, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Giám sát quản lý về Hải quan, đánh giá cao tiềm năng phát triển của kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, các giao dịch trên mạng lại đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý, đặc biệt là việc mua bán trên các sàn TMĐT của nước ngoài.

“Bên cạnh những ưu điểm như tiết kiệm chi phí, thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng bán hàng trên mạng để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. TMĐT xuyên biên giới còn nảy sinh vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa khi được thông quan”, ông Tuấn cho biết.

Với các giao dịch trực tuyến, cơ quan chức năng gặp khó trong việc xác định giá trị giao dịch thực tế để xác định mức thuế, nhất là với hàng hoá gửi thông qua hình thức chuyển phát nhanh, quà biếu, tặng. Hiện nay, cũng chưa có quy định cụ thể đối với một số hàng hóa mua bán trên trang TMĐT.

Để khắc phục mặt tồn tại của hoạt động TMĐT, ông Âu Anh Tuấn thông tin Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đang tiến hành xây dựng đề án “Quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”. 

 Đề án đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, tránh việc lợi dụng hoạt động TMĐT để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.

Ông Vũ Hùng Sơn cũng cho biết Ban chỉ đạo 389 đang xây dựng và hoàn thiện kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Ông khẳng định quá trình thực hiện kế hoạch không gây tác động xấu đến thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.

Trong khi đó, nói về giải pháp của ngành Công Thương, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết bộ đã phát động những chương trình lớn về nói không với hàng giả trong TMĐT. Ngoài ra, hàng năm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đều xuất bản Sách trắng TMĐT, cập nhật thông tin về phát triển TMĐT tại Việt Nam.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Statista, năm 2018, doanh thu TMĐT Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD. Còn theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2019 trung bình từ 25% đến 30%.

“Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan”, báo cáo nêu.

Văn Hưng

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.