|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao nhiều ngân hàng trung ương đang chạy đua phát hành tiền số (CBDC)?

07:30 | 16/02/2022
Chia sẻ
Tiền số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) được kỳ vọng sẽ giúp tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho hoạt động thanh toán.

Theo Bloomberg, sự phát triển công nghệ và đại dịch COVID-19 khiến xu hướng thanh toán không tiền mặt được đón nhận nhanh hơn bao giờ hết. Giữa lúc các đồng tiền mã hoá như bitcoin dần trở nên phổ biến, ngân hàng trung ương cũng tăng tốc với giải pháp tiền số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC).

Vì sao nhiều ngân hàng trung ương đang chạy đua phát hành tiền số (CBDC)? - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) là một trong những ngân hàng trung ương tích cực trong việc phát hành CBDC. (Ảnh: Bloomberg).

1. Tiền điện tử của ngân hàng nhà nước (CBDC) sẽ như thế nào?

Về cơ bản, CBDC sẽ không quá khác biệt so với việc giữ tiền điện tử trong một tài khoản ngân hàng hay dùng thẻ, điện thoại thông minh và ứng dụng để chuyển tiền đó vào thế giới thực tế. Điểm khác biệt lớn nhất là, CBDC, cũng giống như tiền mặt, là một tài sản không có rủi ro.

Một USD trong tài khoản ngân hàng thương mại theo lý thuyết luôn có thể chuyển thành một USD tiền mặt. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thành công hay không phụ thuộc vào mức độ thanh khoản của ngân hàng. Trong các trường hợp rủi ro hiếm hoi, ví dụ như ngân hàng phá sản, việc rút tiền mặt có thể bị gián đoạn hoặc thậm chí không thể rút tiền mặt được. CBDC trong khi đó là trách nhiệm trực tiếp của ngân hàng trung ương.

2. CBDC sẽ thay đổi hoạt động thanh toán ra sao?

CBDC có thể tồn tại ở nhiều hơn một hình thức, tuy nhiên mục tiêu chung của chúng là tăng tốc độ thanh toán. Ở hệ thống hiện tại, các ngân hàng thương mại thực hiện các khoản thanh toán ròng cho lẫn nhau sử dụng tiền của ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này thường không diễn ra đồng thời vì các lý do vận hành và công nghệ.

3. CBDC sẽ tác động như thế nào đến tiền mã hoá?

CBDC không có nhiều tác động đến tiền mã hoá. Về cơ bản, CBDC khác các đồng tiền mã hoá như Bitcoin, đồng tiền vốn có mức độ biến động quá lớn để đóng vai trò lưu trữ giá trị đồng thời chưa được chấp nhận rộng rãi trong hoạt động thanh toán. Lúc này, Bitcoin vẫn được nhìn nhận như một loại tài sản đầu cơ.

Điểm hấp dẫn những người ủng hộ Bitcoin là tính phi tập trung của nó. Điều này đồng nghĩa với việc không có một đơn vị trung tâm nào kiểu soát đồng tiền này và các giao dịch đều được ghi lại trên một số cái phân tán.

Trong khi đó, ngân hàng nhà nước kiểm soát CBDC. Trong khi một số ngân hàng đang ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) vào CBDC, việc cuối cùng họ có sử dụng công nghệ này hay không vẫn chưa có lời đáp. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) bày tỏ quan ngại về tác động đến môi trường khi vận hành một hệ thống blockchain. 

4. Có những loại tiền CBDC nào?

Về cơ bản, có 2 loại tiền CBDC là bán lẻ và bán buôn. Ở dự án bán lẻ, CBDC sẽ được phát qua các tài khoản tại ngân hàng nhà nước để phục vụ mục đích sử dụng đại trà, hoặc thông qua các tài khoản tại ngân hàng thương mại hợp tác với ngân hàng nhà nước.

Một hệ thống CBDC không có các rủi ro tín dụng do tiền không được lưu trữ trên bảng cân đối kế toán của đơn vị trung gian và giao dịch được thực hiện trực tiếp trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng nhà nước.

CBDC bán lẻ sẽ có tác động tích cực đến những người chưa tiếp cận được với dịch vụ  ngân hàng truyền thống. Dù vậy, một số quốc gia, ví dụ như Đan Mạch, cho rằng CBDC có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các ngân hàng thương mại khi người gửi tiền đổ xô đưa tiền lên tài khoản ở ngân hàng trung ương. Một số ngân hàng trung ương cho biết sẽ áp dụng các hạn mức trần nắm giữ tiền CBDC để hạn chế các rủi ro mất cân bằng như vậy.

Ở các dự án bán buôn, chỉ các ngân hàng và định chế tài chính có thể tiếp cận CBDC với mục đích tăng tốc độ và chi phí giao dịch trong hệ thống tài chính.

5. Những quốc gia nào đang thử nghiệm CBDC?

Theo IMF, có trên dưới 100 quốc gia đang ở các giai đoạn tìm hiểu và thử nghiệm CBDC. Ấn Độ mới đây gây bất ngờ khi nói sẽ phát hành đồng rupee kỹ thuật số trong năm tài chính tới, trong khi đó Trung Quốc ra mắt đồng nhân dân tệ số cho các vận động viên và khán giả ở sự kiện Olympic Mùa đông 2022 để đánh giá mức độ hào hứng của người nước ngoài.

Một số đảo thuộc Đông Caribbe sử dụng chung ngân hàng trung ương cũng ra mắt một đồng tiền số có tên DCash.

6. Những quốc gia chưa hào hứng với CBDC

FED (Mỹ) tỏ ra khá chậm chạp với ý tưởng đồng tiền số của ngân hàng nhà nước, tuy nhiên FED từng phát hành một báo cáo dài 35 trang nói về các lợi ích của nó. Ngân hàng Canada cũng không vội vã với CBDC dù đang tích cực xây dựng hạ tầng công nghệ. Họ cho biết đang quan sát các hoạt động phát triển và có thể nâng tính khẩn cấp của việc ra mắt CBDC.

7. Lợi ích của CBDC là gì?

Nếu ngân hàng trung ương có thể giải quyết được các khó khăn về mặt kỹ thuật, tiền số có thể giúp hoạt động thanh toán bên trong nền kinh tế và thanh toán quốc tế nhanh hơn và có chi phí thấp hơn. CBDC cũng sẽ cải thiện việc tiếp cận với tiền pháp định tại các quốc gia nơi nguồn cung tiền mặt giảm dần.

Một tài liệu của IMF trong khi đó cho biết CBDC sẽ cải thiện tính toàn diện tài chính và là một phương án bền vững hơn ở các quốc gia thường xuyên phải đối mặt với thảm hoạ thiên nhiên.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhận định rằng đồng euro kỹ thuật số có thể trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh gia tăng các chính sách bảo hộ nếu những chính sách này dẫn đến sự gián đoạn các dịch vụ thanh toán nước ngoài chính của Châu Âu. Với Trung Quốc, CBDC giúp bắt kịp và kiểm soát được nền kinh tế có tốc độ số hoá cao.

8. Điểm trừ của CBDC là gì?

Các ngân hàng trung ương đều đang thận trọng với CBDC. Tuỳ theo mô hình CBDC theo đuổi, ngân hàng trung ương có thể đặt các ngân hàng thương mại vào rủi ro, trong khi đó đây chúng lại là nguồn cấp vốn chính cho nền kinh tế. Trong khi đó, ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt với rủi ro trực tiếp và những rắc rối khi cung cấp dịch vụ ngân hàng đại trà.

Cùng thời điểm, các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi liệu blockchain có thể hỗ trợ một số lượng lớn giao dịch được thực hiện cùng lúc hay không. Một nghiên cứu từng nói rằng Ethereum có thể xử lý 15 giao dịch mỗi giây, con số này của Visa là 24.000.

Nam Khánh