Vì sao khối ngoại thất bại trong các thương vụ đầu tư tư nhân tại Việt Nam?
Được chọn bởi 75% người tham gia khảo sát, “Sự khác biệt trong kỳ vọng về giá” tiếp tục dẫn đầu trong các nhân tố dẫn đến thất bại trong các thương vụ đầu tư.
“Không cung cấp các thông tin trọng yếu vào thời điểm cần thiết” xếp ở vị trí thứ 2, với 72% người tham gia khảo sát lựa chọn. Ở vị trí thứ 3 là “Thay đổi các điều khoản giao dịch”, chiếm 61% phản hồi.
3 yếu tố trên thường xuyên là các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thất bại của các thương vụ đầu tư trong nhiều khảo sát trước đây của Grant Thornton.
Ngoài ra, Grant Thornton cũng thấy một xu hướng tương tự trong Báo cáo Đầu tư Tư nhân toàn cầu năm 2014, 2015 đối với thương vụ M&A trong vùng và trên thế giới.
Mặc dù vậy, kỳ khảo sát này đã cho thấy một sự cải thiện nhỏ khi tổng tỷ lệ phản hồi lựa chọn “Rất quan trọng” và “Khá quan trọng” cho hai yếu tố “Sự khác biệt trong kỳ vọng về giá” và “Thay đổi điều khoản giao dịch” đã giảm, lần lượt 9% và 7%.
Một điều đáng chú ý ở kỳ khảo sát lần này là có sự thay đổi lớn liên quan đến yếu tố “Các nhân viên chủ chốt thôi việc trong quá trình rà soát”, với tỷ lệ trả lời tăng từ 16% vào quý II/2015 lên 30% trong khảo sát quý IV/2015. Điều này là do thực tế trong nhiều thương vụ, nhất là khi doanh nghiệp có sự phụ thuộc lớn vào một số nhân viên chủ chốt, việc các nhân viên chủ chốt này thôi việc bất ngờ có thể được xem như là sự tổn thất về giá trị vô hình, gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, và dẫn đến giao dịch thất bại.
Nhà đầu tư muốn “nhảy” vào lĩnh vực điều hành nào?
“Quản trị doanh nghiệp và lập kế hoạch tài chính được xem là 2 lĩnh vực hàng đầu mà nhà đầu tư mong muốn tham gia vào trong danh mục đầu tư.”, báo cáo khảo sát của Grant Thornton nhận định.
Nhìn chung, các lĩnh vực phổ biến mà nhà đầu tư mong muốn tham gia vào các công ty trong danh mục đầu tư vẫn theo xu hướng của các cuộc khảo sát gần đây. Theo đó, quản trị doanh nghiệp và lập kế hoạch tài chính là hai lĩnh vực phổ biến nhất.
Quản trị doanh nghiệp đã là một trong các mối quan tâm hàng đầu kể từ cuộc khảo sát 6 tháng đầu năm 2014. Trong cuộc khảo sát lần này, lĩnh vực này đã vượt qua lập kế hoạch tài chính trở thành mối quan tâm nhất, được lựa chọn bởi 22% người tham gia.
Quản trị doanh nghiệp là một phần quan trọng trong chiến lược gia tăng giá trị của các nhà đầu tư tư nhân. Mặc dù một cơ cấu quản trị tốt không thể đảm bảo được sự thành công của doanh nghiệp nhưng một số yếu tố chính của việc quản trị doanh nghiệp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động.
Quản trị doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ gia tăng uy tín và danh tiếng, tạo nên sự hấp dẫn đối với nhiều bên quan tâm. Với mục tiêu cuối cùng đối với mỗi thương vụ đầu tư tư nhân là lợi nhuận khi thoái vốn, các giao dịch bán riêng lẻ hay chào bán ra đại chúng sẽ dễ dàng hơn nếu công ty được đầu tư có cơ cấu quản trị hiệu quả, đặc biệt là trong sự minh bạch và công bố thông tin. Hỗ trợ chiến lược có một sự gia tăng nhẹ từ 17% trong 6 tháng cuối năm 2015 lên 19% trong 6 tháng đầu năm 2016. Xu hướng này phù hợp với sự quan tâm đang tăng dần của các nhà đầu tư tư nhân trong “Chiến lược phù hợp” khi đầu tư vào Việt Nam.
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị
Cải thiện hoạt động tiếp tục là yếu tố chính ảnh hưởng đến giá trị, lựa chọn bởi 48% người tham gia.
Khi cân nhắc về các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá trị, 82% người tham gia lựa chọn cải thiện hoạt động và tăng trưởng thị trường là hai yếu tố quan trọng nhất để tạo nên giá trị của doanh nghiệp.
Trong một nghiên cứu bởi McKinsey, một yếu tố tạo nên giá trị ảnh hưởng đến thành công của giao dịch đầu tư tư nhân là hoạt động vượt trội so với danh mục.
Các bên tham gia đầu tư tư nhân cho rằng cải thiện hoạt động như là tiết giảm chi phí và gia tăng sự cống hiến của nhân viên là một phần quan trọng trong các chiến lược của họ.
Mặt khác, các nhà đầu tư tư nhân có xu hướng mua lại các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Trong xu thế thay đổi hàng ngày của nền kinh tế thế giới, nhà đầu tư mong muốn ưu tiên sức khỏe và hiệu quả cơ bản của danh mục các công ty đầu tư.
Tăng trưởng thị trường được lựa chọn bởi 36% người tham gia là yếu tố tạo nên giá trị (tăng 8% so với cuộc khảo sát kỳ trước). Nhờ vào AEC, khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành một thị trường có quy mô lớn, tạo nên cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu một cách nhanh chóng.
TheoHuyền Châm
Bizlive