|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao cho phép xuất khẩu cát silic?

21:00 | 23/01/2018
Chia sẻ
Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu cát trắng silic đã qua chế biến đến thời điểm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 04/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm VLXD.
vi sao cho phep xuat khau cat silic Việt Nam sẽ không xuất khẩu mọi loại cát
vi sao cho phep xuat khau cat silic Việt Nam sẽ không xuất khẩu cát nhiễm mặn nữa

Xuất khẩu cát silic qua chế biến

Theo Bộ Xây dựng, các sản phẩm cát xuất khẩu gồm: Cát trắng silic đã qua chế biến làm nguyên liệu cho sản xuất thủy tinh và kính xây dựng, cát trắng silic đã qua chế biến làm khuôn đúc (bọc nhựa, không bọc nhựa), bột cát thạch anh mịn và siêu mịn, cát vàng đã qua chế biến làm khuôn đúc, cát tiêu chuẩn sử dụng cho phòng thí nghiệm. Đây đều là các sản phẩm có giá trị cao hơn nhiều lần so với cát khai thác ở trạng thái nguyên khai và có giá xuất khẩu cao hơn so với giá bán tại thị trường trong nước.

vi sao cho phep xuat khau cat silic

Đề xuất trên của Bộ Xây dựng là giải pháp trước mắt đối với các hợp đồng ký còn hiệu lực đến thời điểm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 04/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm VLXD. Việc xuất khẩu phải đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của khoáng sản, có giấy phép khai thác còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp. Sản phẩm xuất khẩu đã qua chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu theo Thông tư 04/2012/TT-BXD.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất tiếp tục chủ trương không xuất khẩu đối với cát xây dựng và cát nhiễm mặn, cho phép nhập khẩu cát xây dựng từ nước ngoài, hạn chế khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng rà soát và ban hành Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư số 04/2012/TT-BXD theo hướng dừng xuất khẩu khoáng sản cát trắng silic dạng thô chưa qua chế biến và cát sơ tuyển; tiếp tục cho xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến sâu, cát nghiền siêu mịn, cát làm khuôn đúc có giá trị kinh tế cao, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN khai thác, chế biến cát trắng silic.

Về lâu dài, đề nghị Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên khoáng sản cát trắng ven biển Việt Nam làm cơ sở cho việc đánh giá và lập quy hoạch tổng thể khoáng sản cát trắng silic cũng như khoáng sản làm VLXD trên toàn quốc.

Các địa phương có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản cát trắng ven biển, trong quá trình phê duyệt quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện lấy ý kiến cơ quan liên quan theo quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch đô thị, nhằm tránh chồng lấn giữa các quy hoạch, đặc biệt là để không làm ảnh hưởng đến việc thu hồi khoáng sản cát trắng để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

Tiêu thụ trong nước là chủ yếu

Theo Vụ VLXD, toàn quốc hiện có khoảng 1,4 tỷ tấn cát trắng silic, các mỏ tập trung chủ yếu ở các tỉnh duyên hải ven biển miền Trung và Nam Trung bộ. Đây là khoáng sản làm VLXD chủ yếu thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020.

Tính đến hết năm 2016, Bộ TN&MT đã cấp 15 giấy phép khai thác khoáng sản silic với tổng trữ lượng là 137 triệu tấn, công suất 3,58 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng khai thác và chế biến thực tế hằng năm khoảng 1,1 triệu tấn. Các sản phẩm sau khai thác, tiêu thụ trong nước 70%, xuất khẩu 30%, phục vụ làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất thủy tinh, kính xây dựng, làm men sứ, gạch ốp lát…

Khối lượng xuất khẩu cát silic (gồm cát trắng, cát vàng), của năm 2015 là hơn 406 nghìn tấn, của năm 2016 là 422,8 nghìn tấn, của 9 tháng đầu năm 2017 là xấp xỉ 400 nghìn tấn. Trong đó, tỷ trọng cát trắng làm nguyên liệu sản xuất thủy tinh và kính xây dựng là lớn nhất khoảng 55%, bột cát thạch anh mịn và siêu mịn chiếm hơn 30%, cát làm khuôn đúc chiếm 14%.

Các nước đang nhập khẩu cát silic của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines… Trong đó, Hàn Quốc là nước nhập khẩu nhiều nhất với khối lượng hằng năm chiếm hơn 50%, đứng thứ 2 là Nhật Bản. Các DN đang sử dụng cát trắng nhập khẩu từ Việt Nam đều là các Tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, LG, Doosan, Nippon Sheet Glass, Union Glass, Ocean Glass…

Các DN Việt Nam tham gia vào thị trường này đã đầu tư dây chuyền chế biến sàng tuyển hiện đại, hoàn chỉnh. Thị trường trong nước cũng chưa tiêu thụ hết lượng cát trắng silic đã qua khai thác, chế biến, mặc dù sản lượng khai thác, chế biến hiện nay mới chỉ bằng khoảng 1/3 so với công suất khai thác theo giấy phép được cấp.

Trong khi đó, theo ý kiến của các tập đoàn sản xuất trên thế giới cũng như Công hàm của Đại sứ quán các nước Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam, văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…, việc dừng xuất khẩu tức thì sản phẩm cát trắng của Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các DN nước ngoài đang sử dụng cát trắng từ Việt Nam. Đồng thời, khi các DN Việt Nam đơn phương dừng hợp đồng xuất khẩu sẽ bị các khách hàng kiện ra Tòa án kinh tế quốc tế và sẽ bị phạt do vi phạm hợp đồng đã ký, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho DN hai bên và có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước.

Theo Bộ Xây dựng, tổng khối lượng tiêu thụ cát silic sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất thủy tinh và kính xây dựng (cho 7 nhà máy sản xuất kính hiện có với công suất 240 triệu m2 kính QTC/năm) khoảng 650 nghìn tấn/năm; sử dụng cho các lĩnh vực khác khoảng 100 nghìn tấn/năm. Giai đoạn từ 2018 - 20120 sẽ có thêm 6 dự án sản xuất kính mới đang được đầu tư với công suất 217 triệu m2 QTC/năm dần đi vào hoạt động và đến năm 2020 tổng công suất thiết kế sẽ tăng lên 457 triệu m2 QTC/năm, tương ứng với nhu câu cát tắng sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất kính vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Với năng lực khai thác, chế biến hiện có thì hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cát trắng cho lĩnh vực này từ nay đến năm 2020.

Thanh Nga

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.