|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vì sao chậm ban hành quy định về sử dụng đất công để thanh toán cho NĐT dự án BT?

19:09 | 05/10/2018
Chia sẻ
Từ hồi tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Tuy nhiên đến nay, văn bản này vẫn chưa được ban hành. Vì sao có sự chậm trễ này?

Tại cuộc họp báo về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (ngày 5/10), đại diện Bộ cho biết, vừa tiếp tục có công văn báo cáo Chính phủ về việc xử lý khoảng trống pháp lý đối với hình thức này. Mục đích của công văn là để làm sao không ảnh hưởng đến các dự án đang làm và những dự án đã ký kết hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018 mà phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký.

vi sao cham ban hanh quy dinh ve su dung dat cong de thanh toan cho ndt du an bt
Buổi họp báo về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Ảnh: K.Hà.

Trước đó, hồi cuối năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các dự án BT.

Do thiếu khung pháp lý nên hồi cuối tháng 3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.

Từ hồi tháng 10/2017, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Tuy nhiên đến nay, văn bản này vẫn chưa được ban hành.

Tại buổi họp báo hôm nay, trả lời câu hỏi về nguyên nhân chậm trễ ban hành Nghị định này, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Luật quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, về quy tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo.

vi sao cham ban hanh quy dinh ve su dung dat cong de thanh toan cho ndt du an bt
Hiện Bộ Tài chính đang yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về việc này có hiệu lực thi hành. Ảnh minh họa.

Hiện trong danh mục các văn bản quy định chi tiết về sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ký ban hành 16 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng.

Ông Thịnh cũng cho biết, đối với Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, có thể nói Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị định. Dự thảo này cũng được Thủ tướng, Phó Thủ tướng quan tâm cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến bằng văn bản các thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ cũng đã cho ý kiến.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, quá trình xây dựng dự thảo nghị định này rất khó vì liên quan tới nhiều luật khác nhau như luật về đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát. Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện trước khi ban hành, ông Thịnh giải thích lý do vì sao chậm trễ ban hành nghị định.

Lãnh đạo Cục Quản lý Công sản cũng cho biết thêm về cách xác định giá đất để hanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Theo đó, có 3 loại đất được sử dụng để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT, đó là: quỹ nhà đất của các cơ quan, đơn vị (thường là trụ sở cũ); quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (hay còn gọi là quỹ đất sạch) và quỹ đất đã nằm trong quy hoạch nhưng chưa được giải phóng mặt bằng.

Giá đất được tính tại thời điểm có quyết định giao, cho thuê đất. Quy định hiện hành nêu rõ, xác định giá đất theo mục đích sử dụng mới. Tức là, nếu đang là đất nông nghiệp nhưng được quy hoạch thành đất khu đô thị thì sẽ được tính theo giá đất khu đô thị.

Ông Thịnh cho biết, giá đất, tài sản gắn liền với đất dùng để thanh toán cho các dự án này được áp dụng theo thị trường, thu tiền sử dụng đất một lần, không thu theo từng năm một, bởi việc thu theo từng năm một không đáng là bao. Dựa vào việc nhiều phương pháp so sánh, thặng dư, thu nhập, căn cứ vào từng dự án, Sở Tài nguyên Môi trường của các tỉnh thành sẽ thuê các đơn vị thẩm định xác định giá. Từ cơ sở mức giá thẩm định này, lãnh đạo UBND cấp tỉnh sẽ quyết định giá tính toán cho nhà đầu tư.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho hay: “Việc dừng thanh toán đất cho dự án BT khiến thành phố gặp khó khăn. Nguyên nhân bởi nếu dừng thanh toán ngày nào thì chủ đầu tư sẽ tính lãi dự án ngày đó, còn nếu thanh toán ngang giá ngay thì sẽ giảm được lãi suất phát sinh tại các dự án. Đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn nội dung này”.

Trao đổi với báo chí, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho hay, chỉ thị của Bộ Tài chính có mục đích tốt, đó là nhằm chấn chỉnh các hợp đồng BT có thể bị lợi dụng để kiếm chác trong việc định giá. Thực tế, do việc xác định giá trị đất đai không rõ ràng nên đã xảy ra nhiều tiêu cực.

"Nhưng, một chính sách mới không nên làm ách tắc thị trường đang vận hành”, TS Liêm nói.

TS Liêm cho rằng, để khắc phục việc này, có thể bổ sung quy định cụ thể về việc dự án thực hiện được bao nhiêu phần trăm thì sẽ được thanh toán, dự án nào chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được phần nhỏ thì tạm dừng.

“Chủ đầu tư đã điều động máy móc, công nhân, triển khai dự án dở chừng mà bị ách lại thì hậu quả không thể kể hết. Chính sách phải tính đến điều này”, ông Liêm nhấn mạnh.

Xem thêm

Khánh Hà