Dừng trả quyền lợi đối ứng BT, nguy cơ tắc dự án hạ tầng
Nguồn lực quan trọng xây dựng hạ tầng
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và nhịp độ phát triển kinh tế khiến nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu trên bình diện quốc gia cũng như ở các địa phương tăng mạnh.
Theo tính toán, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam đến năm 2030 ước khoảng 3 triệu tỷ đồng (chưa tính hạ tầng đường sắt cao tốc, đường thủy, đường sông...), trong khi nguồn lực cân đối từ ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua đến năm 2020 chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương 5% nhu cầu.
Trả lời báo chí, PGS. TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước eo hẹp, các dự án hợp tác công - tư (PPP) theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) là một giải pháp quan trọng để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, theo bà An, phải giám sát, đánh giá lại các dự án BT.
“Lúc này chúng ta đang cần vốn, nguồn lực để phát triển, nên dứt khoát phải có giám sát, đánh giá minh bạch và công bằng những cái được cũng như cái chưa được của hình thức BT. Không thể đánh đồng tất cả các dự án BT đều có vấn đề”, bà An nói.
Cùng quan điểm này, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc Quyết định 23/2015/QĐ-TTg của Chính phủ về việc sử dụng quỹ đất công để thanh toán cho các dự án BT đã hết hiệu lực và chưa được thay thế bởi các văn bản mới quy định vấn đề này có thể gây thiệt hại cho các nhà đầu tư đã và đang triển khai các dự án BT, đồng thời có thể khiến nhiều dự án hạ tầng lớn của quốc gia bị đình trệ do nhà đầu tư e ngại quyền lợi của họ không được đảm bảo.
Hình thức BT vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay |
“Cơ chế BT trong thời gian qua thực tế đã hình thành một nhóm không nhiều các nhà thầu kiêm nhà đầu tư thực sự có kinh nghiệm, năng lực thi công các dự án hạ tầng. Đây là nguồn lực tư nhân rất tốt để cùng với Nhà nước hoàn thiện hệ thống hạ tầng công cộng. Phải khẳng định, đây là hình thức xã hội hóa đầu tư rất cần thiết và chúng ta nên rà soát, xem xét lại những dự án tốt, nhà đầu tư tốt để thực hiện tiếp”, ông Châu nhấn mạnh.
Không để ách tắc đầu tư
Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT. Đầu tháng 8, cơ quan này có văn bản yêu cầu kể từ ngày 1/1/2018, tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định vấn đề này có hiệu lực thi hành.
Điều này gây nhiều băn khoăn cho không chỉ các nhà đầu tư, mà ngay cả với các địa phương đang hợp tác triển khai các dự án BT, bởi nếu việc này được triển khai nghiêm túc, thì các dự án đã tiến hành từ đầu năm đến nay sẽ bị dừng bàn giao quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư. Trong khi đó, để triển khai các dự án hạ tầng, nhà đầu tư đã phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để thực hiện các hạng mục như đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công… Trong đó, nhiều hạng mục của dự án thậm chí phải chi tiền triển khai trước khi các hợp đồng được ký kết.
Sự chậm trễ này cũng gây thiệt hại cho cả Nhà nước lẫn người dân vì chắc chắc, các nhà đầu tư sẽ phải tạm dừng để nghe ngóng trước khi có quyết định mới.
“Nếu tạm dừng trả quyền lợi đối ứng đối với hình thức đầu tư này vô thời hạn thì nhà thầu kiêm nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn. Do đó, công trình, dự án BT được lựa chọn theo đúng quy định, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nên cho tiếp tục triển khai bình thường. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện kiểm toán lại công trình đó để đảm bảo khách quan, minh bạch. Sau này, với các quỹ đất đối ứng có thể đưa ra đấu giá và lấy tiền thanh toán lại cho nhà thầu. Vì bản chất của BT là bàn giao công trình và nhận tiền, nhưng không có tiền nên thanh toán bằng quỹ đất thay thế”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ thêm.
Trao đổi với báo chí, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Luật Basico cũng cho rằng, việc thanh toán quyền lợi đối ứng cho các công trình BT vẫn phải theo quy định hiện hành, cho đến khi có quy định mới.
Theo vị luật sư này, Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành ngày 4/5/2018 và có hiệu lực vào ngày 19/6/2018, trước đó là Nghị định 15/2015/NĐ-CP theo hình thức đối tác công tư ngày 14/2/2015 đã có hành lang pháp lý cho việc này. Theo đó, Nhà nước vẫn phải thanh toán toàn bộ giá công trình đã đầu tư, bao gồm cả mức lợi nhuận được hai bên thỏa thuận theo hợp đồng đã ký trước đó.
Ngay bản thân Dự thảo nghị định về thanh toán cho nhà đầu tư BT đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ cũng có một điều khoản chuyển tiếp về vấn đề này. “Đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng giao quỹ đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án khác được ký kết theo đúng quy định của pháp luật trước thời điểm nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của pháp luật trước đó, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định tại nghị định này”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Thực tế, nếu theo nguyên tắc không hồi tố nói trên thì văn bản tạm dừng chuyển giao quyền lợi đối ứng dự án BT để chờ quy định mới cũng khó được các nhà đầu tư và các địa phương chấp thuận.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước eo hẹp, các dự án BT là một giải pháp quan trọng để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu dự án nào phát sinh những lệch lạc thì cần có kiểm tra, kiểm toán, xử lý cụ thể, chứ không thể vì một vài cái sai mà tất cả phải dừng chờ khiến cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế bị ách tắc.