Bán rẻ đất công, khi nào mới hết
Đất công được quay vòng cho cán bộ nhà nước rồi người công ty làm nhà ở | |
Kienlongbank lên tiếng về việc mua đất công xây dựng trụ sở chi nhánh Cần Thơ |
Khu đô thị Thủ Thiêm nhìn từ phía quận 1. Ảnh: Thành Hoa |
Hình thức đầu tư BT được đề xuất nhằm huy động vốn đầu tư tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng, giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước. Thế nhưng, tài sản nhà nước sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư nếu không phải là tiền thuế sử dụng đất, tiền thuê đất thì cũng là đất công - loại tài sản có tính thanh khoản cao và có thể dễ dàng chuyển đối thành tiền bất kỳ lúc nào. Đó là một nghịch lý.
Mới đây, trong báo cáo sau khi thực hiện kiểm toán 17 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước kết luận việc thực hiện các dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Chẳng những không giảm được gánh nặng, những bất cập trong quá trình thực hiện hình thức đầu tư BT còn trực tiếp gây thiệt hại rất lớn cho tài sản công. Đó là việc định giá đất để trả cho nhà đầu tư thấp hơn giá trị thực, do không thông qua đấu giá, và chi phí đầu tư các công trình hạ tầng cao hơn mặt bằng giá thực tế do chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu.
Không chỉ có thế, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra nghịch lý vốn đầu tư cho dự án BT có đến 85% là vốn vay với lãi suất huy động tối đa cao gấp 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ. Do đó, thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn nhà nước hoặc vốn nhà nước đi vay với lãi suất cao để thực hiện dự án.
Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư còn không thực hiện góp vốn chủ sở hữu đúng hạn như cam kết, thậm chí có những hợp đồng BT không quy định số vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư phải góp. Rồi sự mập mờ trong việc xác định chi phí lãi vay, trong đó tính cả tiền lãi vay cho phần nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư mà Nhà nước để lại cho doanh nghiệp; thanh toán cho nhà đầu tư (đổi đất) trước cả khi dự án hoàn thành, thậm chí có dự án nhà đầu tư được giao đất từ trước cả khi khởi công xây dựng...
Tất cả những yếu tố đó làm cho tình trạng thất thoát tài sản công càng nặng nề hơn.
Có thể nói, hình thức đầu tư đối đất lấy hạ tầng trong thời gian qua chẳng khác gì nhà nước bán rẻ đất công cho doanh nghiệp để mua lại các công trình hạ tầng với giá đắt từ chính các doanh nghiệp này. Đồng thời, dự án BT cũng trở thành miếng mồi ngon mà nhà đầu tư nào cũng muốn có phần, nên chuyện phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm ở các dự án béo bở này cũng là điều khó tránh khỏi.