|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sở hữu cổ phần tại một số ngân hàng vẫn vượt trần quy định

10:43 | 23/05/2024
Chia sẻ
Kiểm toán nhà nước cho biết tới cuối 2022, vẫn có một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông vượt quy định.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội, việc xử lý giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quy định theo Luật các tổ chức tín dụng vẫn còn chậm và kéo dài nhiều năm.

Đến cuối 2022, vẫn có ngân hàng thương mại có cổ đông là tổ chức sở hữu cổ phần vượt trần quy định 15% vốn điều lệ như Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigon Bank). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông tại Saigon Bank cũng sở hữu cổ phần vượt trần 20% vốn điều lệ.

Sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex vào cuối 2022, cũng từng vượt quy định trước khi Petrolimex thoái vốn thành công vào 2023, sau đó đổi tên thành Ngân hàng Thịnh vượng và Phát triển Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PGBank).

Bên cạnh đó, theo Kiểm toán Nhà nước, vẫn còn tình trạng cổ đông lớn và người có liên quan nắm trên 5% vốn điều lệ nhà băng khác như tại Saigon Bank và Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức 3,15%, ổn định tỷ giá, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,02%.

Các ngân hàng được kiểm toán cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Ngoài nhóm ngân hàng thương mại mua bắt buộc và bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt còn một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao vượt ngưỡng 3%, như Ngân hàng Quốc dân và Ngân hàng Indovina.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán một số thời điểm còn thấp trong tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm căng thẳng.

Trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, một số nhà băng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như Ngân hàng Public Việt Nam vào thời điểm tháng 7/2022. Hay giai đoạn tháng 10/2022 và cuối năm, một số nhà băng gồm Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng Bản Việt (BVBank), Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank), Ngân hàng BPCEIOM chi nhánh TP HCM, Ngân hàng Deutsche Bank AG chi nhánh TP HCM cũng rơi vào tình trạng này.

Trong năm đó, Ngân hàng Nhà nước phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với số tiền lớn cho SCB và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Quỳnh Trang