|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiểm toán Nhà nước: Các kiến nghị xử lý tài chính chưa thực hiện khoảng 108.180 tỷ đồng

21:42 | 08/09/2023
Chia sẻ
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết tính đến ngày 31/3, các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện khoảng 108.180 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước là 45.552 tỷ đồng.

Tại phiên giải trình về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 vào sáng 8/9, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết 4 tháng gần đây, sau khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách ban hành Kế hoạch tổ chức Phiên giải trình, số lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán thực hiện tăng lên đáng kể.

Tính lũy kế đến ngày 31/3, số kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng, tích lũy nhiều năm chưa thực hiện vẫn còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết bộ, ngành, địa phương do các kết luận, kiến nghị khá đa dạng và cần nhiều cơ quan vào cuộc mới có thể xem xét, xử lý.

Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), tài chính công, tài sản công tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục.

Số kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác; rà soát, sửa đổi ban hành văn bản quy phạm pháp luật; yêu cầu kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước. Số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện còn rất lớn.

Kiến nghị xử lý tài chính chưa thực hiện khoảng 108.180 tỷ đồng

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/3, các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện khoảng 108.180 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN là 45.552 tỷ đồng; còn lại chủ yếu là các khoản kiến nghị hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán theo quy định.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết cơ quan đã phân loại 4 nhóm nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị với 15 nguyên nhân cụ thể.

Trong đó, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 63.291 tỷ đồng, chiếm 58,5%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Kiểm toán Nha nước chiếm 2,28%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 chiếm 14,3 %; nhóm nguyên nhân khác chiếm 24,9%.

Đối với nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách, đến 31/3, tổng số các kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị.

Nguyên nhân chưa thực hiện đối với nhóm kiến nghị này chủ yếu là quá trình sửa đổi, thay thế hoặc bổ sung liên quan đến cơ chế, chính sách thường mất nhiều thời gian hoặc phải đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phải chờ để sửa đổi đồng bộ cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị do đơn vị chưa báo cáo tình hình thực hiện nên Kiểm toán Nhà nước chưa nắm bắt được kết quả thực hiện. Ttrong khi đó, trước năm 2023, Chính phủ chưa có một đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về cơ chế chính sách.

Về kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm, đến 31/3, tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị.

Xem xét cơ chế xử lý với kiến nghị không có tính khả thi

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Hà Minh Hải cho biết TP đã nhận diện 14 nguyên nhân dẫn đến nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện.

Trong đó có một số nguyên nhân lớn như nhà thầu chưa thống nhất được với chủ đầu tư về thực hiện kiến nghị kiểm toán; dự án đang trong giai đoạn triển khai chưa quyết toán hoàn thành nên chưa thực hiện; doanh nghiệp hoặc các đơn vị liên quan gặp khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, ông Hà Minh Hải cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là việc thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa được quan tâm đúng mức. 

Để có cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng ngân sách cũng như thực hiện kiến nghị kiểm toán, Hà Nội kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng cần hoàn thiện về cơ chế chính sách.

Trong đó, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải là nhà ở đang giao cho các công ty quản lý, kinh doanh nhà quản lý cho thuê.

Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151, trong đó có quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; ban hành quy định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình.

Còn về phía Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng để giải quyết các tồn tại về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước xem xét ý kiến giải trình của các đơn vị đối với các nội dung chưa thống nhất đối với kết luận và kiến nghị Kiểm toán Nhà nước để Bộ có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Đồng thời, xem xét, có cơ chế xử lý cụ thể đối với các nội dung kiến nghị, không có tính khả thi hoặc không thể thực hiện.

Trên cơ sở các ý kiến, phản ánh của các đơn vị, bộ ngành, địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết Ủy ban sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý các đề xuất, kiến nghị thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

Ngoài ra, Ủy ban cũng sẽ kiến nghị Chính phủ đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước hay các nghị định, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành... nhằm tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán và ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong quy định về quản lý tài chính công và tài sản công.

Hoàng Anh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.