Nghị định về thanh toán tài sản công cho NĐT dự án BT: Bộ Tài chính 'hỏa tốc' lấy ý kiến bộ ngành
Gửi kèm văn bản này là Tờ trình của Bộ Tài chính về việc ban hành Nghị quyết thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đối với các hợp đồng được ký kết theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, bộ ngành có ý kiến tham gia và gửi về Cục Quản lý công sản của bộ này trước ngày 25/10 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính 'hỏa tốc' lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan về Nghị định về thanh toán tài sản công cho NĐT dự án BT. Ảnh minh họa. |
Lý do Bộ Tài chính gửi văn bản hỏa tốc trên là nhằm thực hiện Nghị quyết ban hành ngày 9/9/2018 của Chính phủ về Phiên họp thường kỳ tháng 8/2018: “Trong thời gian Nghị định này chưa được ban hành và chưa có hiệu lực thi hành, giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý khoảng trống pháp lý kể từ ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực để không làm ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai, đặc biệt là các dự án BT đã ký kết hợp đồng”. Đồng thời, thực hiện yêu cầu tại thông báo ngày 16/10/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp liên quan tới vấn đề này.
Theo Tờ trình của Bộ Tài chính về việc thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, việc xử lý chuyển tiếp các hợp đồng BT chưa thanh toán cho nhà đầu tư được Bộ Tài chính nêu ra từng trường hợp cụ thể.
Đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, cơ sở nhà đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đã được ký kết trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng đã ký.
Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát các hợp đồng BT đã ký để thực hiện thanh toán bằng quỹ đất, cơ sở nhà, đất cho nhà đầu tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, cơ sở nhà đất được ký kết từ ngày 1/1/2018 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát các hợp đồng BT đã ký kết đảm bảo quy định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp chưa đảm bảo quy định thì các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm đàm phán với nhà đầu tư để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các dự án BT đã hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định ký hợp đồng BT theo đúng quy định và thực hiện thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Bộ Tài chính yêu cầu, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, các bộ, ngành, địa phương tạm dừng việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT và hợp đồng BT đã ký kết cho đến khi Nghị định này được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, đối với quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng và tài sản công khác thuộc trung ương quản lý thì lập dự toán thu, chi ngân sách trung ương. Đối với quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng và tài sản công khác thuộc địa phương quản lý thì lập dự toán thu, chi ngân sách địa phương.
Khi dự án BT hoàn thành và phê duyệt quyết toán theo quy định, các bên ký kết hợp đồng BT xác định số chênh lệch giữa tổng giá trị tài sản công thanh toán với tổng giá trị dự án BT để thực hiện thanh toán. Theo đó, nếu trường hợp tổng giá trị tài sản công thanh toán lớn hơn tổng giá trị dự án BT thì nhà đầu tư nộp số tiền chênh lệch vằng tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp tổng giá trị tài sản công thanh toán nhỏ hơn tổng giá trị dự án BT thì nhà nước thành toán số chênh lệch bằng tiền hoặc bằng tài sản công cho nhà đầu tư.