Vì sao bị đánh thuế nặng, Apple cũng sẽ không chuyển nhà máy sản xuất iPhone khỏi Trung Quốc?
Sự phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc có thể khiến Apple mắc kẹt không thể chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Công nhân ở nhà máy Foxconn (ảnh ElephantRoom)
Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đánh thuế bổ sung hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều công ty công nghệ đã tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Đại lục. Google mới đây đã chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel sang 2 nước Đông Nam Á. Tuy nhiên Apple lại chưa tuyên bố rời khỏi Trung Quốc dù các báo cáo đầu năm nay cho thấy họ đang tìm cách chuyển 30% dây chuyền sản xuất khỏi nước này. Ấn Độ hoặc các nước Đông Nam Á là những nơi mà Apple có thể chuyển đến, nhưng việc tìm một chuỗi cung ứng đáng tin cậy và đào tạo công nhân không thể là việc một sớm một chiều.
Trên lý thuyết, Apple có động cơ để chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc bởi từ ngày 15/12, iPhone sẽ được đưa vào danh sách các sản phẩm nhập khẩu bị áp thuế 15%. Ban đầu, thuế quan dự định được áp dụng vào 1/9, nhưng Tổng thống Trump không muốn mùa lễ Giáng sinh bị hủy hoại bởi các mặt hàng sẽ tăng giá.
Nếu bị áp thuế, Apple sẽ phải quyết định hoặc công ty chịu thuế này, hoặc bán giá cao để người dùng phải san sẻ gánh nặng. Theo kết quả kinh quý II vừa qua thì doanh số iPhone đã giảm 13,8% trên toàn cầu, và để kích cầu, có lẽ Apple sẽ chấp nhận gánh thuế thay người tiêu dùng.
Thành công của iPhone đang khiến Apple mắc kẹt tại Trung Quốc
Apple đang sản xuất một số lượng nhỏ iPhone tại Ấn Độ. Đây là cách để Apple có thể giảm giá bán iPhone tại thị trường Ấn Độ, phù hợp với sức mua của người dân sở tại. Mặc dù là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới nhưng thu nhập trung bình của người dân Ấn Độ còn thấp.
Nhưng điều khiến người tiêu dùng lo lắng là Apple đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Theo Reuters, Apple đã thiết lập nhiều nhà máy ở Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào. Hãng gia công chính cho Apple là Foxconn đã mở rộng từ 19 nhà máy ở Trung Quốc vào năm 2015 thành 29 nhà máy trong năm nay. Còn Pentagon – một hãng khác mà Apple cũng thuê để lắp ráp iPhone – đã tăng từ 8 nhà máy thành 12 nhà máy vào cùng thời điểm.
Dữ liệu chuỗi cung ứng được Reuters tính toán cho thấy Apple vẫn còn khá nhiều cam kết với Trung Quốc. Vào năm 2015, 44,9% nhà cung ứng linh kiện cho Apple là các hãng của Trung Quốc. Đến năm nay, con số này tăng lên 47.6%.
iPhone X (ảnh Irish Times)
Nếu bạn đang tự hỏi vì sao Google có thể dễ dàng mang dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á mà Apple lại không thể, câu trả lời đó chính là Quy mô. Kể cả khi sản xuất một số lượng gấp đôi năm ngoái, thì Google cũng chỉ tung ra thị trường được 8 – 10 triệu điện thoại trong năm nay. Con số này chưa là gì so với số lượng iPhone được Apple tung ra trong 1 năm. Vì vậy Apple cần một chuỗi cung ứng lớn hơn – các công ty mà họ có thể tin tưởng để mua các linh kiện chất lượng cần thiết cho iPhone. Apple có thể không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sản xuất iPhone tại Trung Quốc.
Theo Dave Evans, CEO của hãng Fictiv, ngoài Trung Quốc chỉ có một vài nước trên thế giới có khả năng sản xuất 600 nghìn điện thoại thông minh mỗi ngày. Nói cách khác, sự thành công của iPhone hiện nay khiến cho Apple không thể rời bỏ Trung Quốc dù phải chịu mức thuế cao.