Vì sao áp lực thu hồi nợ của ngân hàng tăng cao vào cuối năm?
9 tháng đầu năm, số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng chiếm áp đảo |
Áp lực thu hồi nợ xấu tăng dần vào cuối năm
Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đang ra sức thu hồi và xử lý các khoản nợ xấu bằng nhiều phương pháp như thu giữ tài sản, bán đấu giá khoản nợ, trích lập dự phòng. Có thể nhận thấy việc thị trường mua bán các khoản nợ cũng trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động bán nợ từ các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV…
Điều đó thể hiện các ngân hàng càng có áp lực cao về nợ xấu hơn về cuối năm, khi một năm tài chính sắp kết thúc. Đó là thời điểm mà các tổ chức này phải chốt việc trích lập chi phí dự phòng và tỷ lệ nợ xấu, việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh trong năm. Mặt khác, việc thu hồi được một khoản nợ xấu sẽ là một khoản thu bất thường có thể là động lực tạo lợi nhuận đột biến cho nhiều ngân hàng.
Trong khi đó, lợi nhuận và nợ xấu là hai điểm mà nhà đầu tư nhìn vào đầu tiên khi đánh giá hoạt động của ngân hàng. Do vậy, hầu hết các ngân hàng đều rất chú trọng vấn đề này trong thời điểm cuối năm.
Áp lực thu hồi nợ của ngân hàng tăng cao vào cuối năm (Ảnh minh hoạ) |
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết bất cứ thời điểm nào trong năm ngân hàng cũng có áp lực thu hồi nợ xấu nhất định. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm kết quả thực hiện thu hồi nợ sẽ tác động đến việc thực hiện kế hoạch kinh doanh đã đề ra trong năm.
"Ngân hàng nào làm ăn kinh doanh cũng có chỉ tiêu kinh doanh của năm và cuối năm là thời điểm để phấn đấu hoàn thành kế hoạch đó. Kết quả kinh doanh của năm nay sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh và lương thưởng của nhân viên không những trong năm nay mà còn trong năm tới", ông nói.
Thu nợ để đảm bảo lương thưởng cuối năm
Việc thu nợ cuối năm không những tạo áp lực lên bộ máy quản trị điều hành của từng ngân hàng mà còn gây sức ép không nhỏ đối với các cán bộ nhân viên nhất là những nhân viên kinh doanh và thu hồi nợ. Bởi vì, đứng từ góc độ của những cán bộ nhân viên của ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu, trích lập chi phí dự phòng sẽ ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của họ mang về, KPI, từ đó ảnh hưởng đến chế độ lương thưởng cuối năm của họ.
Việc thu hồi nợ xấu ảnh hưởng đến lương thưởng của cán bộ nhân viên ngân hàng |
Theo chia sẻ của nhân viên kinh doanh tại ngân hàng Techcombank, ACB cho biết nếu tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh/phòng giao dịch vượt mức quy định thì toàn bộ nhân viên của chi nhánh sẽ bị xếp hạng thấp và thậm chí không được thưởng cuối năm. Trong một số trường hợp chỉ cần một khoản vay chuyển nợ xấu thì cả đơn vị sẽ không đạt chỉ tiêu. Do đó, càng về cuối năm việc các khoản nợ càng được theo dõi sát sao hơn bao gồm cả những khoản nợ xấu và nợ có nguy cơ chuyển thành nợ xấu.
"Cách mà VAMC xử lý nợ xấu đang có vấn đề"
Nghị quyết 42/2017/QH 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 cũng là một động lực không nhỏ tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu. Đặc biệt tại 6 TCTD có dư nợ xấu lớn gồm: Sacombank, ACB, BIDV, Techcombank, VietinBank và Agribank.
Bảng tổng hợp số dư nợ xấu của một số ngân hàng - Đvt: tỷ đồng (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC) |
Theo thống kê trước đó của chúng tôi, trong 9 tháng đầu năm 2017 có tới 19/23 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng. Xét về giá trị, nợ xấu tập trung nhiều ở các ngân hàng lớn như Vietcombank (6.184 tỷ đồng); Sacombank (13.265 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm); BIDV (17.245 tỷ đồng, tăng 20%); VietinBank (9.214 tỷ đồng, tăng 37%); VPBank (5.125 tỷ đồng, tăng 22%). Đây cũng là là những ngân hàng có biểu hiện tích cực nhất trong việc đưa các thông tin về thu hồi nợ xấu trong thời gian vừa qua.
Bảng xếp hạng tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2017
Nhận xét về hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết này, Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc ra đời của Nghị quyết 42 đã tạo niềm tin cho các ngân hàng khi được chủ động trong việc xử lý nợ thay vì ngồi đợi VAMC như trước đây.
"Cách mà VAMC xử lý nợ xấu đang có vấn đề, chính vì thế mà người ta phải quay trở lại với cách xử lý truyền thống, đưa việc xử lý nợ về ngân hàng. Bởi vì, ngân hàng là người có nhiều thông tin về khách hàng và hiểu rõ về khách hàng nhất, cũng như kinh nghiệm quản lý nợ và xử lý nợ xấu", chuyên gia chia sẻ.
Theo khảo sát của cá nhân ông, các NHTM hiện nay đang dựa vào Nghị quyết 42 để đẩy mạnh việc xử lý nợ và có khoảng 4-5 ngân hàng đã làm lại toàn bộ bộ máy xử lý nợ theo phương thức ngân hàng có quyền thu hồi tài sản. Thậm chí có nhiều ngân hàng còn kết hợp với kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới để đổi mới từ công nghệ thông tin cho đến cơ chế chính sách xử lý nợ (xử lý sớm, xử lý muộn và thanh lý nợ).
Chuyên gia đánh giá đây là thành công bước đầu của Nghị quyết 42, tuy nhiên do việc mới áp dụng trong thời gian ngắn nên chưa thể đánh giá được hết kết quả cụ thể.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Nghị Quyết 42 tạo ra nhận thức rất tốt cho ngân hàng và khách hàng đặc biệt trong quá trình xử lý tài sản, thậm chí có khách hàng còn chủ động tìm đến ngân hàng để giải quyết nợ. Từ đó cho thấy, việc ra đời Nghị quyết này đã làm tăng ý thức trách nhiệm của người đi vay, bên bảo lãnh.
Ông cho biết những cơ chế mới này đã giúp cho việc phát mại tài sản trở nên dễ hơn. Tuy nhiên, hiện nay phía toà án vẫn chưa đưa ra quy trình cụ thể về thủ tục rút gọn xử lý tài sản, nếu thủ tục này được nhanh chóng ban hành sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xử lý nợ trong thời gian tới.
HSC: Gánh nặng nợ xấu tập trung ở Agribank, Sacombank và một số TCTD nhỏ
HSC nhận định gánh nặng nợ xấu của hệ thống hiện nằm phần lớn ở 7 - 8 ngân hàng thương mại như Agribank, các ngân ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/