|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

HSC: Gánh nặng nợ xấu tập trung ở Agribank, Sacombank và một số TCTD nhỏ

17:05 | 21/11/2017
Chia sẻ
HSC nhận định gánh nặng nợ xấu của hệ thống hiện nằm phần lớn ở 7 - 8 ngân hàng thương mại như Agribank, các ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank, VNCB) và một số ngân hàng khác (Sacombank, Eximbank, SCB) khi có tỷ lệ nợ xấu cao và mức trích lập dự phòng thấp.
hsc ganh nang no xau tap trung o agribank sacombank va mot so tctd nho
Nợ xấu là gánh nặng tập trung ở 7-8 ngân hàng (Ảnh minh hoạ)

Gánh nặng nợ xấu tập trung ở Agribank, Sacombank và một số TCTD nhỏ

Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định nhìn chung nợ xấu hiện tập trung phần lớn ở 7 hoặc 8 ngân hàng. Trong đó ngoài Agribank và Sacombank, phần lớn là các tổ chức tín dụng nhỏ hơn. Trong đó, gánh nặng nợ xấu ở mỗi ngân hàng là khác nhau tuỳ thuộc vào khả năng xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng.

Nhiều ngân hàng thương mại lớn đã hầu như trích lập hết cho nợ xấu từ trước để lại và hiện có tình hình tài chính lành mạnh, sẵn sàng cho việc tăng trưởng mạnh vài năm tới như Vietcombank, MBBank, HDBank & ACB. Trong khi đó một số các ngân hàng niêm yết khác vẫn còn phải tiếp tục trích lập dự phòng là VPBank, BIDV, Vietinbank.

Chi tiết trích lập dự phòng rủi ro các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2017.

Trái lại, Agribank, các ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank, VNCB) và một số ngân hàng khác (Sacombank, Eximbank, SCB) vẫn còn rất nhiều nợ xấu từ trước để lại phải trích lập.

Mặc dù vậy do phần lớn nợ xấu còn lại đều được đảm bảo bởi các tài sản là bất động sản (BĐS) nên tỷ lệ thu hồi nợ được kỳ vọng sẽ đạt mức cao khi các tài sản bảo đảm (TSBĐ) được thanh lý, có thể cao hơn mức thông thường là 30 - 40%. Đặc biệt là khi giá trên thị trường BĐS đang tăng. Đây là thông tin tích cực liên quan tới việc cập nhật tiến độ xử lý nợ xấu.

HSC cho rằng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng được Quốc hội thông qua vào ngày 21/6/2017 sẽ giúp hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Ngân hàng sẽ có lợi nhuận đột biến nếu xử lý dứt điểm nợ xấu

Với việc thông tin được đưa ra một cách minh bạch hơn và có vẻ như quá trình xử lý nợ xấu đang dần tiến triển tốt, HSC dự kiến vấn đề nợ xấu ở rất nhiều ngân hàng sẽ được xử lý phần lớn trong năm 2018 - 2019. Do đó, theo HSC, sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong lợi nhuận của các ngân hàng như Vietcombank và ACB, đây là những ngân hàng đã trích lập dự phòng phần lớn nợ xấu của mình đồng thời cũng ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ bán nợ xấu.

Theo HSC, chi phí xử lý nợ xấu thực tế cuối cùng sẽ tùy thuộc vào giá trị thị trường của TSBĐ nhưng sẽ thấp hơn nhiều con số nợ xấu tuyệt đối chưa được trích lập dự phòng. Do nợ xấu chưa được trích lập dự phòng chưa trừ giá trị TSBĐ hay phần nợ có khả năng thu hồi được trong tương lai.

Nếu nhìn vào số liệu quá khứ thì tỷ lệ này thường là 30-40% trên tổng số nợ xấu (đến cuối tháng 9 là 566 nghìn tỷ đồng). Có nghĩa là số nợ không thu hồi được trong số nợ xấu chưa được trích lập dự phòng của toàn ngành là khoảng 240 - 280 nghìn tỷ đồng. Tương đương khoảng 600% - 700% tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2016 (40 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Như vậy, nếu thực sự xử lý được nợ xấu một cách triệt để, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng đột biến trong thời gian tới.

hsc ganh nang no xau tap trung o agribank sacombank va mot so tctd nho 9 tháng đầu năm, số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng chiếm áp đảo

Kết thúc quý III, bức tranh nợ xấu của các ngân hàng đang dần lộ rõ qua báo cáo tài chính (BCTC) được công bố ...

Trúc Minh