|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vị kỹ sư được coi là ‘linh hồn’ của Nvidia, ngay cả Jensen Huang cũng phải cực kỳ nể trọng là ai?

16:16 | 17/02/2025
Chia sẻ
Kỹ sư này đã giúp Nvidia thoát quy định của Mỹ, tiếp tục xuất khẩu chip sang Trung Quốc - thị trường quan trọng bậc nhất của hãng.

Nvidia gặp rắc rối. Năm 2022, chính phủ Mỹ bắt đầu hạn chế những loại chip mà công ty này có thể bán cho Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc chiếm khoảng 20% doanh thu của Nvidia. Để giữ vững thị trường này, CEO Jensen Huang đã giao nhiệm vụ cho Jonah Alben, một trợ lý quan trọng.

Alben nói với sếp rằng không có đủ thời gian để thiết kế một con chip mới hoàn toàn cho Trung Quốc. Thay vào đó, ông đề xuất chỉnh sửa mẫu chip hàng đầu của Nvidia khi đó, giảm bớt hiệu suất để phù hợp với quy định của Mỹ. Thậm chí, nhóm của ông còn phải vô hiệu hóa một số bộ phận trên chip bằng cách đốt cháy chúng. Hai tháng sau, Nvidia bắt đầu bán dòng chip đã điều chỉnh cho khách hàng Trung Quốc.

Alben, 51 tuổi, là người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Nvidia. Ông phụ trách việc phát triển chip máy tính dành cho trí tuệ nhân tạo, sản phẩm quan trọng nhất của công ty. Nếu ví Nvidia như KFC, thì ông chính là người quyết định chất lượng gà rán.

“Nvidia sẽ không thể thành công như hôm nay nếu thiếu Jonah”, Leo Tam, cựu chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại công ty, nhận xét. “Ông ấy quan trọng không kém gì Jensen”.

 Kỹ sư Jonah Alben tại Nvidia. (Ảnh: WSJ).

Công việc của Alben đặt ông vào trung tâm cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều công ty AI Trung Quốc, như DeepSeek, đang sử dụng chính những con chip Nvidia sản xuất riêng cho thị trường này để cạnh tranh với các đối thủ Mỹ. Một số quan chức Mỹ lo ngại rằng những con chip này đã tiệm cận giới hạn kiểm soát xuất khẩu, làm suy yếu nỗ lực kìm hãm sự phát triển AI quân sự của Trung Quốc. Nvidia khẳng định họ luôn tuân thủ luật pháp.

Alben cũng phải đảm bảo rằng Nvidia giữ vững vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chip AI cho các khách hàng lớn như Alphabet và Microsoft. Chính lợi thế này đã giúp giá trị thị trường của Nvidia vượt mốc 3.000 tỷ USD.

Những người quen biết Alben cho rằng thành công của ông đến từ khả năng nắm vững chi tiết kỹ thuật, đẩy giới hạn của các quy tắc và có tinh thần cạnh tranh mạnh mẽ, giống hệt sếp của mình - Jensen Huang, người đã gắn bó với ông suốt 28 năm và nổi tiếng với chiếc áo khoác da.

Là một trong nhiều giám đốc báo cáo trực tiếp cho Huang, Alben quản lý khoảng 1.000 kỹ sư trong vai trò lãnh đạo bộ phận kỹ thuật chuyên về chip xử lý đồ họa (GPU). Ngay cả trong môi trường đầy tiến sĩ tài năng của Nvidia, điều khiến đồng nghiệp cũ và hiện tại ấn tượng nhất ở Alben không phải là bằng cấp, mà là trí thông minh của ông, dù ông chỉ học đến thạc sĩ. Họ cũng đánh giá cao khả năng quản lý đội ngũ kỹ sư xuất sắc của ông.

Alben tin rằng kỹ năng này đến từ những năm tháng ông ngồi ở cuối một chiếc thuyền, một chàng trai gầy gò chỉ huy 8 người đàn ông cao lớn hơn mình gấp đôi. Những năm 1990, khi còn học tại Stanford, Alben tham gia đội chèo thuyền. Với vai trò hoa tiêu, ông phụ trách các buổi tập tại một con lạch ở Redwood City và ra lệnh cho các tay chèo tăng tốc vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đua.

Alben từng áp dụng một chiến thuật khiến các tay chèo phải dốc hết sức, ít nhất là trong lần đầu tiên ông thử nghiệm nó. “Jonah nổi tiếng với việc hô ‘200 mét cuối’ khi thực tế vẫn còn 350 mét”, cựu đồng đội Martin Schwartz kể.

Theo quy định, hoa tiêu dưới 125 pound (khoảng 57 kg) phải mang thêm bao cát trên thuyền để đủ trọng lượng. Nhưng Alben chỉ nặng 117 pound (khoảng 53 kg) và không muốn mang thêm một gram nào.

Vì vậy, vào mỗi sáng trước cuộc đua, ông uống liền 8 pound nước, gần 4 lít. Ông nhịn cho đến lúc cân trọng lượng, rồi ngay trước khi cuộc đua bắt đầu, ông giải phóng hết số nước đó.

“Jonah khiến tôi ấn tượng vì luôn sẵn sàng để người khác khiêng lên bàn cân”, cựu đồng đội Daniel Bergstresser nói. “Cậu ấy lúc nào cũng trong trạng thái như sắp nổ tung”.

CEO Jensen Huang của Nvidia. (Ảnh: WSJ).

Alben lớn lên ở Schenectady, New York. Sau khi tốt nghiệp Stanford, ông gia nhập Nvidia năm 1997 và nhanh chóng gây chú ý. Trong một cuộc họp nội bộ thời gian đầu, CEO Jensen Huang từng nói: “Tôi nghĩ trong 20 năm nữa, có lẽ tôi sẽ làm việc dưới quyền Jonah”.

Sasha Ostojic, người từng lãnh đạo nhóm thiết kế phần mềm cho phần cứng của Alben, nhận xét rằng Alben giỏi nhất khi đối mặt với thách thức kỹ thuật.

Có lần, một con chip đồ họa trong quá trình phát triển gặp lỗi, không hiển thị phim đúng cách. Alben, Ostojic và một đồng nghiệp khác cùng nhau tìm nguyên nhân.

“Jonah bước vào và nói, ‘Cứ kiểm tra từng dòng mã một đi,’” Ostojic kể. “Cậu ấy dẫn dắt cả nhóm: ‘Dòng này làm gì? Dòng kia hoạt động thế nào?’”

Cuối cùng, họ tìm ra giải pháp mà không cần thay đổi phần cứng. “Chỉ cần một bước đi sai lầm, Jonah có thể khiến Nvidia chậm lại từ 6 đến 12 tháng,” Ostojic nói.

Huang rất coi trọng sự tỉ mỉ trong kỹ thuật. Ông từng là một thần đồng bóng bàn và thường tham dự hội thảo chỉ để học hỏi. Ông tin rằng các lãnh đạo công ty phải đắm mình trong những nghiên cứu tiên tiến nhất để hiểu thị trường sẽ phát triển theo hướng nào.

Alben đồng ý với quan điểm đó. Trong một podcast của công ty năm 2020, khi được hỏi ông mô tả công việc của mình thế nào, ông nói: “Bạn cố gắng hình dung tương lai sẽ ra sao”.

Phải mất khoảng ba năm để phát triển một con chip tiên tiến mới của Nvidia. Để dự đoán nhu cầu khách hàng, Alben thường xuyên trao đổi với các nhà nghiên cứu AI trong công ty.

Ban đầu, chip của Nvidia được thiết kế để xử lý đồ họa trong trò chơi điện tử và các phần mềm khác. Nhưng vào đầu những năm 2010, công ty nhận ra chúng cũng rất phù hợp để huấn luyện AI và giải quyết các vấn đề mới. Ngay cả Alben cũng bất ngờ.

Ông nhớ rõ khoảnh khắc nhận ra con chip mình đang phát triển có tiềm năng lớn hơn những gì ông từng nghĩ. Một lần, ông đọc một bài nghiên cứu về cách một nhà khoa học dùng GPU để mô phỏng cách mũi người cảm nhận mùi.

“Không ai ở Nvidia từng gọi cho nhà nghiên cứu đó để bán GPU”, Alben kể trong podcast. “Tôi chợt nhận ra rằng chip của chúng tôi không chỉ dùng để giải quyết vài vấn đề có sẵn trong danh sách”.

Đức Huy

TS. Nguyễn Tú Anh: 'Tăng trưởng tín dụng 16% nếu tăng trưởng GDP thấp sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu'
Theo Chuyên gia Nguyễn Tú Anh, khi chúng ta cố gắng thúc đẩy tín dụng nhưng nếu kinh tế tăng trưởng thấp thì sức ép tăng trưởng cao cũng có thể khiến rủi ro về nợ xấu sẽ gia tăng.