|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vết thương mới chưa khỏi, vết thương cũ tái phát, châu Âu loay hoay tìm các liều thuốc cứu nền kinh tế sau cơn bạo bệnh COVID-19

10:27 | 07/05/2020
Chia sẻ
Trong lúc Liên minh châu Âu cần triển khai gấp những giải pháp quyết liệt để tránh cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong gần một thế kỉ bởi dịch COVID-19, những bất đồng dai dẳng giữa các nước thành viên có thể vô hiệu hóa mọi nỗ lực của khối.

Hôm 6/5, Ủy ban châu Âu cảnh báo nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) có thể giảm với mức kỉ lục 7,75% trong năm nay, và mức giảm có thể lớn hơn ở 19 nước sử dụng đồng euro.

CNN nhận định khả năng phục hồi từ cú sốc kinh tế lớn nhất từ thời kì Đại suy thoái (1929-1933) của châu Âu đang giảm rõ rệt bởi sự tái xuất của những bất đồng về chính trị và luật pháp. Chúng có thể khiến những gói kích thích trị giá hàng nghìn tỉ euro trở nên vô nghĩa.

Những vết thương cũ có thể cản trở sự phục hồi của châu Âu sau cơn bạo bệnh mang tên COVID-19 - Ảnh 1.

Giải pháp hiệu quả nhất đối với Liên minh châu Âu hiện nay là một chiến lược phục hồi chung mạnh mẽ và đúng thời điểm trong toàn khối. Ảnh: Euro News

Đây là mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm mà châu Âu hứng chịu trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, và cũng lớn hơn so với dự báo đầy bi quan của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế cách đây 3 tuần.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Giới phân tích nhận định chỉ số giá tiêu dùng của châu Âu sẽ giảm mạnh, trong khi chi tiêu cho những nỗ lực chống dịch sẽ tăng thâm hụt ngân sách của các chính phủ từ 0,6% GDP trong năm 2019 lên khoảng 8,5% GDP trong năm nay. Ủy ban châu Âu cũng dự báo tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực sẽ tăng từ 6,7% trong năm 2019 lên 9% trong năm nay.

Ông Paolo Gentiloni, Cao ủy Kinh tế của Ủy ban châu Âu, nói rằng châu Âu đang trải qua cú sốc kinh tế lớn nhất từ thời kì Đại suy thoái. 

Theo ông, chiều sâu của khủng hoảng và tốc độ phục hồi kinh tế của từng nước trong khối sẽ không giống nhau, và phụ thuộc vào tốc độ chấm dứt các biện pháp nghiêm ngặt, tầm quan trọng của những ngành dịch vụ như du lịch đối với mỗi nền kinh tế cũng như nguồn lực tài chính của từng chính phủ.

“Điều rõ ràng bây giờ là Liên minh châu Âu đã bước vào cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tất cả mọi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đều được dự báo sẽ suy thoái nặng nề trong năm nay. Hoạt động kinh tế tại Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Croatia, Pháp có thể sẽ chịu tác động lớn nhất”, ông Gentiloni nhấn mạnh.

Báo cáo mà ông Paolo Gentiloni công bố cho thấy, trong số các nước thành viên của eurozone, Italy là nước chịu thiệt hại lớn nhất với dự báo tăng trưởng kinh tế âm 9,5% năm nay. 

Các quan chức khác của Ủy ban châu Âu cảnh báo nỗi đau kinh tế có thể lớn hơn nhiều so với dự báo. Họ nhấn mạnh "liều thuốc" hiệu quả nhất đối với cơn bạo bệnh là một chiến lược phục hồi chung mạnh mẽ và đúng thời điểm trong toàn khối.

 Mặc dù vậy, rất có thể chiến lược phù hợp sẽ không xuất hiện đúng lúc, và khi nó xuất hiện, rất có thể nhiều chính phủ sẽ không triển khai. Bất chấp sự đồng thuận rộng rãi trong nội bộ EU về gói cứu trợ khẩn cấp, những bất đồng muôn thuở có thể cản trở sự thực thi những nỗ lực phục hồi kinh tế chủ chốt. 

Việc Tòa án Tối cao Đức phản đối chương trình thu mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có thể cản trở ECB sử dụng một trong những công cụ kích thích kinh tế của họ.

Bất đồng về cách thức và thời điểm chi tiền cứu trợ kinh tế

Các Bộ trưởng Tài chính thuộc EU đã kí kết thỏa thuận triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp với khoản chi lên tới 500 tỉ EURO (538 tỉ USD). Gói cứu trợ sẽ bao gồm các khoản hỗ trợ lương để ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt, cùng các khoản vay cho doanh nghiệp.

Song bất động sâu sắc giữa các nước thành viên đã ngăn cản EU giải ngân gói phục hồi kinh tế có trị giá tối thiểu 1.000 EURO (1.100 tỉ USD) mà Ủy ban châu Âu muốn lập để xây dựng lại những nền kinh tế trong khối đang lao đao vì dịch COVID-19.

Ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng các nhà lãnh đạo quốc gia châu Âu, đã kêu gọi các nước triển khai quĩ phục hồi kinh tế vào ngày 1/6. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đã không thể phê chuẩn các đề xuất về các biện pháp trong quĩ cứu trợ, đồng nghĩa với việc tiến độ triển khai sẽ lùi thêm ít nhất một tuần. Các nhà lãnh đạo EU chưa có kế hoạch gặp nhau trước hôm 18/6.

Khác biệt giữa các nước xoay quanh cách thức quĩ cứu trợ vận hành, đặc biệt là việc quĩ nên cung cấp khoản vay hay trợ cấp cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nền nhất bởi COVID-19, như Tây Ban Nha và Italy, hay không. Trợ cấp đồng nghĩa với việc các nước sẽ chia sẻ khoản nợ - một giải pháp mà Hà Lan, Áo và Đức cùng nhiều nước khác phản đối.

Nhạc Phong