|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VEAM trình kế hoạch chi gần 5.000 tỷ đồng trả cổ tức năm 2022

10:56 | 01/06/2023
Chia sẻ
Với lợi nhuận hằng năm từ 5.000 - 7.000 tỷ đồng, VEAM thường xuyên trích hàng nghìn tỷ đồng để trả cổ tức với tỷ lệ cao. Hiện tại, Bộ Công thương đang sở hữu 88,47% vốn của tổng công ty, như vậy ước tính cổ đông nhà nước sẽ nhận về gần 4.390 tỷ đồng trong đợt chia cổ tức năm 2022 này.

Ảnh minh họa: VEAM.

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - Mã: VEA) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, đại hội dự kiến tổ chức sáng 20/6 tại Hà Nội

Năm nay, VEAM đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 1.187 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần so với  thực hiện của năm 2022. Doanh thu từ hoạt động tài chính gần 6.580 tỷ đông, tăng 11%. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 5.694 tỷ đồng, tăng 1,2%.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC công ty mẹ VEAM đã kiểm toán.

Doanh thu từ hoạt động tài chính, chủ yếu là cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh, liên kết đóng góp lớn vào lợi nhuận sau thuế của VEAM. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC công ty mẹ VEAM đã kiểm toán).

VEAM cho biết, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh về doanh thu bán hàng từ các sản phẩm công nghiệp thông qua tiêu thụ các xe tồn kho lâu năm và tiếm kiếm đối tác chiến lược, nghiên cứu thị trường để sản xuất các dòng xe tải mới tiêu chuẩn khí thải Euro5 và khai thác công nghiệp phụ trợ.

Dự kiến các hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn của công ty mẹ sẽ tiếp tục đạt hiệu quả trong năm nay với doanh thu mảng này kỳ vọng tăng 11,2% so với năm 2022 nhưng do dự kiến sẽ trích lập một số khoản dự phòng nên lợi nhuận kỳ vọng chỉ tăng nhẹ 1,2%. Các khoản trích lập này chưa được thực hiện trong năm 2022 và các năm trước đây.

Trong năm nay, Tổng Công ty sẽ tập trung tìm phương án, chính sách bán hàng để xử lý dứt điểm đối với các sản phẩm xe Changan và máy kéo ISEKI tồn kho. Đồng thời, sẽ đôn đốc thu hồi công nợ, trong đó có các biện pháp tái cơ cấu công ty con để có nguồn trả nợ hoặc có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh để trả nợ, yêu cầu các đơn vị dùng mọi nguồn lực, xây dựng kế hoạch trả nợ Tổng Công ty; tăng cường quản lý chặt chẽ đối với các đơn vị bị lỗ kéo dài như Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC) và Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo.

Bên cạnh đó, VEAM sẽ hoàn thiện đề án tái cơ cấu với mục tiêu cổ phần hoá một số công ty TNHH, thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của tổng công ty nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của tổng công ty trong tương lai, khắc phục tình trạng sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp của VEAM. 

Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT trình cổ đông trích 4.962 tỷ đồng để chia cổ tức trong năm 2022, tương ứng tỷ lệ là 37,3% tiền mặt (3.730 đồng/cp). Hiện tại, Bộ Công thương đang sở hữu 88,47% vốn của VEAM, như vậy ước tính cổ đông nhà nước sẽ nhận về gần 4.390 tỷ đồng.

 Tỷ lệ cổ tức tiền mặt của VEAM theo năm. (Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết ĐHĐCĐ VEAM).

Ngoài ra, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu VEA tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua kế hoạch trên, nhưng trong năm 2022, tổng công ty chưa hoàn thành kế hoạch do chưa đáp ứng đầy đủ quy định về niêm yết.

Minh Hằng

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.