VDSC: VN-Index dao động trong vùng 630 - 750 điểm trong tháng 4, ngành bán lẻ hồi phục mạnh sau dịch
VN-Index được kì vọng dao động trong vùng 630 - 750 điểm trong tháng 4
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 3 tồi tệ nhất lịch sử khi VN-Index giảm tới 25%, cùng với đó các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng đạt mức cao kỉ lục, riêng giá giá trị bán ròng trên HOSE ở mức xấp xỉ 8.000 tỉ đồng.
Độ rộng thị trường tiêu cực trong tháng 3 với một phần ba số cổ phiếu trên sàn HOSE và HNX mất hơn 20% giá trị. Trong rổ VN30, không có cổ phiếu nào tăng trong tháng 3, trong khi có tới 14 mã giảm trên 30%, điển hình như ROS (55%), MWG (45%), PNJ (43%) và SBT (41%).
Trong khi các chỉ số đều giảm mạnh, thanh khoản thị trường cũng không cho thấy sự cải thiện. Áp lực bán luôn ở mức cao trong khi dòng tiền bắt đáy vẫn đủ mạnh do tâm lí thận trọng của nhà đầu tư trong thị trường nhiều rủi ro.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - Mã: VDS), rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn ở mức cao. Theo đó, VN-Index được kì vọng sẽ dao động trong vùng 630 - 750 điểm.
Công ty chứng khoán này chỉ ra yếu tố có thể tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán trong tháng 4.
Thứ nhất, Rồng Việt cho rằng thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục đồng điệu với thị trường thế giới khi mà khối ngoại đang chiếm hơn 20% giá trị vốn hóa sàn HOSE, giao dịch của khối ngoại cũng luôn có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Mặc khác, như đánh giá trước đó của công ty chứng khoán này, thị trường chứng khoán Mỹ, với sức ảnh hưởng lớn tới các thị trường trên thế giới, có xác suất cao sẽ giảm trở lại mặc dù đã hồi phục mạnh trong thời gian qua.
Thống kê từ Bloomberg và Barclays Research cho thấy, thị trường Mỹ thường xuyên có nhịp hồi phục, hay bẫy tăng giá, trước khi tiếp tục rơi và chạm đáy trong thị trường gấu.
Thứ hai, mặc dù khả năng dịch bệnh có thể được khống chế trong quí II, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá mức độ lây lan và khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam và thế giới vẫn là một ẩn số khó lường.
Cho đến nay, Việt Nam và một số nước đã ban hành lệnh giãn cách xã hội hay phong tỏa toàn quốc đến giữa và cuối tháng 3 để ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam và các nước lớn như Mỹ và các nước châu Âu kéo dài thời hạn, ”cú sốc cầu” có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn dự báo. Theo đó, rủi ro thị trường tiếp tục biến động mạnh ở vùng điểm thấp vẫn chưa được hoàn toàn loại bỏ.
Mặc dù vậy, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, rủi ro thị trường đã phần nào giảm xuống và thị trường cũng đã phản ánh một trường hợp tiêu cực. Chỉ số VIX của Việt Nam đã lao dốc 38% so với mức đỉnh trong tháng 3, và chỉ số 5 năm CDS cũng giảm 12% so với thời điểm đó.
Tín hiệu tích cực khác, mức độ bán ròng của khối ngoại cũng đang có xu hướng chậm lại, thậm chí có phiên chuyển sang trạng thái mua ròng trên sàn HOSE.
Theo đánh giá của Rồng Việt, khối ngoại có thể sẽ chưa chuyển sang mua ròng ngay trong tháng 4 khi các chỉ số rủi ro còn đang ở mức cao, tuy nhiên mức độ bán ròng của khối này nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm bớt.
Ở khía cạnh cơ bản, theo thống kê của Bloomberg, thu nhập trên cổ phiếu (EPS) của Việt Nam có thể tăng trưởng 5% trong năm 2020, trong khi PE dự phóng của năm nay hiện đã giảm hơn 25% so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán do lo ngại về tình hình dịch bệnh.
Đa phần các công ty chứng khoán cho rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quí II/2020. Với kịch bản này, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ vẫn có sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay.
Lĩnh vực nào sẽ hồi phục nhanh chóng sau khi kết thúc đại dịch?
Về tác động của dịch COVID-19, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, việc cách li toàn xã hội có thể dẫn đến cú sốc cầu ngắn hạn. Đồng thời, hoạt động kinh tế chậm lại sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các công ty trong năm 2020.
Với kịch bản cơ sở là dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quí II/2020 trên toàn cầu, các ngành hàng không, dệt may, bảo hiểm, dầu khí, chứng khoán, bán lẻ, logistics và xây dựng sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch. Một số doanh nghiệp thậm chí sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn do thiếu hụt nguồn cầu.
Mặt khác, Rồng Việt cũng đánh giá hầu hết các lĩnh vực có thể phục hồi nhanh chóng sau khi kết thúc đại dịch, đặc biệt là các lĩnh vực như bán lẻ, bảo hiểm, thực phẩm và đồ uống (sữa) và điện. Các ngành công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng và ngân hàng sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2020, tuy nhiên sẽ tăng trưởng mạnh trở lại vào từ năm 2021.
Theo đó, Rồng Việt dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường cho năm 2020 vẫn đạt khoảng 11% dù thấp hơn so với mức 22% được dự phóng vào đầu năm.