|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC: Tăng trưởng tín dụng có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang trong những tháng đầu năm 2024

15:17 | 10/01/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia phân tích, tăng trưởng tín dụng thường có xu hướng bật tăng mạnh vào những tháng cuối quý I, sau đó có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang ở những tháng liền sau đó.

Tín dụng giảm nhẹ hoặc đi ngang trong những tháng đầu năm 2024

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo rằng tín dụng có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang trong những tháng đầu năm 2024. Dự báo được đưa ra dựa trên xu hướng dữ liệu lịch sử của tăng trưởng tín dụng.

Theo quan sát của VDSC, tăng trưởng tín dụng thường có xu hướng bật tăng mạnh vào những tháng cuối quý, sau đó có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang ở những tháng liền sau đó. 

Do đó, với sự bật tăng mạnh trong hai tháng cuối quý IV/2023, không loại trừ khả năng tín dụng sẽ giảm nhẹ hoặc đi ngang trong những tháng đầu của năm 2024, đặc biệt khi đây thường là giai đoạn thấp điểm của hoạt động kinh doanh.

Tăng trưởng tín dụng vào tháng 1, 4, 7, 10 thường yếu hơn so với tháng liền trước. (Ảnh: VDSC).

Đồng thời, vì tăng trưởng tín dụng bật tăng mạnh trong tháng cuối năm 2023, các chuyên viên phân tích cũng cho rằng đóng góp của yếu tố này vào lợi nhuận của một vài ngan hàng là không quá lớn. Nguyên nhân là bởi dư nợ bình quân theo thời gian có thể nhỏ hơn dư nợ tín dụng báo cáo cuối kỳ.

Đánh giá về nhân tố dẫn khiến tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong tháng 12 cũng như quý IV vừa qua, VDSC cho rằng nguyên nhân đến từ nỗ lực của các ngân hàng và sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Trong đó, các ngân hàng cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong quý cuối cùng để tối đa hóa hạn mức được cấp (room) trong năm 2023, tạo cơ sở thuận lợi cho room tín dụng năm 2024.

Đồng thời, NHNN đã linh hoạt điều tiết trong việc phân bố lại room tín dụng, cho phép các ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng dư nợ cho vay nếu tăng trưởng tính đến ngày 29/11 đã đạt ít nhất 80% tổng mức tăng trưởng tín dụng được cấp cho cả năm 2023. 

Ngân hàng nào được cấp room tín dụng cao hơn?

Với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 15%, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm cho các tổ chức tín dụng. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được tính toán dựa trên điểm xếp hạng năm 2022. 

Đồng thời, trong năm, NHNN sẽ chủ động điều tiết hạn mức tăng trưởng tín dụng giữa các TCTD. VDSC cho rằng NHNN sẽ chuyển hạn mức ở các ngân hàng không sử dụng hết sang các ngân hàng cần được cấp thêm hạn mức (như đã thấy vào cuối năm 2023) mà không cần có văn bản đề nghị.

NHNN không công bố về điểm xếp hạng của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo Thông tư 52, thì điềm xếp hạng sẽ được chấm dựa trên bộ tiêu chí CAMELS, với thang điểm từ 1 - 5 điểm và nhân với trọng số của các chỉ tiêu.

Theo đó, chỉ tiêu vốn (Capital adequacy) có trọng số 20%, chỉ tiêu chất lượng tài sản (Asset quality) có trọng số 30%, chỉ số quản trị điều hành (Management) có trọng số 10%, chỉ số kết quả kinh doanh (Earnings) có trọng số 20%, chỉ số khả năng thanh toán (Liquidity) có trọng số 15 %, chỉ số mức độ nhạy cảm với rủi ro lãi suất (Sensitivity to market risk) có trọng số 5%. 

(Ảnh: VDSC).

Với bộ tiêu chí trên, VDSC cho rằng các ngân hàng với chất lượng tài sản tốt, bộ đệm vốn cao, đảm bảo an toàn thanh khoản và tham gia tích cực vào việc hỗ trợ tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, hỗ trợ phục hồi kinh tế (thông qua giảm lãi suất cho vay) sẽ được cấp room tín dụng cao hơn mức trung bình ngành. 

Ngoài ra, việc NHNN phân bổ rõ chỉ tiêu vào đầu năm sẽ giúp các TCTD có sự chủ động hơn trong việc lập kế hoạch kinh doanh và điều tiết giải ngân tín dụng trong năm 2024, tránh sự dồn cục tại một số thời điểm trong năm.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).