|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Lạm phát của Việt Nam sẽ vượt 4% nếu giá dầu duy trì mức 130-140 USD/thùng

10:50 | 07/04/2022
Chia sẻ
VDSC đưa ra nhận định trên trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 4/2022. Ngoài ra kỳ vọng mức tăng trưởng GDP của cả năm 2022 là 6,8%.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 4, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng triển vọng lạm phát sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi cầu tiêu dùng.

Tính chung quý 1/2022, CPI bình quân tăng 1,9%, cao hơn mức tăng 1,7% của hai tháng đầu năm và mức tăng 1,8% của cả năm 2021. Khối phân tích nhận định lạm phát đang định hình xu hướng đi lên, trong đó tác động rõ rệt nhất là do đà tăng của giá dầu thô, các mặt hàng liên quan trực tiếp đến dầu thô như (xăng dầu, gas) đóng góp hơn 2 điểm % đến mức tăng CPI chung. Hiện tượng “té nước theo mưa” chưa xuất hiện, và đà tăng giá của các mặt hàng còn lại là tương đối mờ nhạt do sức cầu trong nước vẫn còn yếu.

 

Nhìn về tương lai, giá dầu thô vẫn đang neo ở mức cao trên 100 USD/thùng do bất ổn kéo dài từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. So với cùng kỳ, giá dầu Brent trong quý I/2022 cao hơn 60,7%, giá xăng A95 thế giới cao hơn 69,9% còn giá xăng A95 trong nước cao hơn khoảng 47,8%.

Điều này cho thấy, việc tăng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa theo kịp đà tăng của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, báo cáo cho biết có hai yếu tố để lạc quan hơn về triển vọng giá xăng dầu trong nước.

Cụ thể, đà tăng của giá dầu thế giới có vẻ đang chững lại ở vùng 100 USD/thùng. Từ 1/4 Chính phủ đã giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 700-2.000 đồng/lít, tùy mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giả sử mức giá dầu 100$/thùng được duy trì từ nay đến hết năm, mức thay đổi tương ứng so với cùng kỳ là 41,5%, điều này sẽ khiến CPI chung tăng 1,5 điểm%.

VDSC ước tính giá dầu nếu duy trì ở mức 130- 140 USD/thùng từ nay đến cuối năm sẽ là ngưỡng cảnh báo khiến lạm phát Việt Nam vượt qua mức mục tiêu 4% của Chính phủ. Ngoài ra, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp nhà điều hành có dư địa để kiểm soát đà tăng của giá dầu trong trường hợp giá dầu tiến lại vùng 120 USD/thùng.

Khối phân tích khẳng định lại đà tăng giá hàng hóa thế giới chỉ mới phản ánh vào một số mặt hàng tiêu dùng, chủ yếu là do sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu. Sự phục hồi của cầu tiêu dùng trong nước do đó vừa là yếu tố cần quan sát với triển vọng tăng trưởng kinh tế và triển vọng lạm phát từ nay đến cuối năm. 

 

Về tăng trưởng GDP, báo cáo nêu trong tháng 3, một số tổ chức tài chính (HSBC, Fitch Rating, VinaCapital) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 từ mức cao khoảng 6,5-7,5% xuống còn 6,1-6,5%.

Trở ngại đối với tăng trưởng được nhắc đến nhiều nhất hiện là giá cả nguyên liệu tăng cao, sức cầu trong dân yếu, triển vọng thương mại chuyển biến kém do sự chững lại trong tăng trưởng toàn cầu.

Dù vậy, VDSC kỳ vọng mức nền thấp trong tăng trưởng của quý II, III/2021 sẽ là cơ sở để giúp nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng trên 6,5% trong năm 2022. Ngoài ra, đà phục hồi sẽ dần trở nên rõ rệt cùng với quá trình mở cửa lại biên giới, từ đó thúc đẩy tiêu dùng và du lịch trong những quý cuối năm. Trong kịch bản lạc quan, công ty kỳ vọng mức tăng trưởng GDP của cả năm 2022 là 6,8%.

Anh Đào

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.