Vắng khách vì COVID-19, khách sạn nhỏ chỉ đạt công suất buồng 10%, khách sạn lớn lỗ tới 5 tỉ đồng một tháng
Nằm trên phố Triệu Việt Vương ở thủ đô, khách sạn Emerald có vị trí đẹp, là lựa chọn của nhiều du khách nước ngoài khi tới Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Kiên, chủ khách sạn Emerald, nói rằng trong điều kiện bình thường, tỉ lệ thuê phòng của khách sạn đạt trung bình 80%.
Trên fanpage của khách sạn, nhiều người đánh giá điểm nổi bật là thức ăn ngon, nhân viên nhiệt tình và chu đáo, phòng rộng rãi và sang trọng, có dịch vụ đưa đón tới sân bay và các điểm quanh Hà Nội.
Công suất phòng chỉ đạt 10%, chi phí lên tới 40 triệu đồng mỗi ngày
Song tình hình kinh doanh của Emerald bắt đầu xấu từ khi COVID-19 xuất hiện. Ngay sau Tết cổ truyền - dịp mà khách nước ngoài thường khá đông - tỉ lệ lấp đầy phòng giảm xuống khoảng 30%.
Để thu hút khách, ông Kiên liên tục giảm giá phòng. Hiện tại, giá thuê tối thiểu là 600.000 đồng/phòng/đêm - mức thấp kỉ lục trong nhiều năm qua. Emerald cũng tung ra nhiều ưu đãi - như đưa đón khách miễn phí, giảm giá các bữa ăn.
Mặc dù giảm giá, số lượng khách vẫn không tăng, vì số lượng khách nước ngoài tới Hà Nội giảm, mà đa số người thuê là du khách nước ngoài, còn khách nội địa chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.
"Ngoài ra, khách nội địa chuộng hình thức homestay và resort hơn", ông Kiên nói thêm.
Dù đã kinh doanh khách sạn gần 20 năm, ông Kiên chưa bao giờ lâm vào tình thế khó khăn như hiện nay.
"Mỗi ngày tôi phải chi khoảng 40 triệu đồng để trả tiền thuê mặt bằng, trả lương và chi phí điện, nước cùng những thứ khác", ông Kiên thổ lộ.
Để giảm chi phí, giống nhiều chủ khách sạn nhỏ khác, ông Kiên phải giảm nhân sự trong tổng số 30 nhân viên.
"Với những người không có hợp đồng lao động, tôi để họ nghỉ việc tạm thời. Còn với những người đã có hợp đồng, tôi vẫn phải cố gắng duy trì mức lương hiện tại của họ", ông kể.
Phương án tiếp theo của ông Kiên là vay tiền từ người thân, bạn bè để tiếp tục duy trì hoạt động của khách sạn trong những tháng tiếp theo.
"Tôi đoán dịch có thể kéo dài từ 6 tháng tới một năm. Trước mắt tôi cố gắng vay để duy trì hoạt động trong thời gian dài nhất có thể. Song nếu dịch kéo dài tới một năm, tôi không biết khách sạn có thể trụ nổi không", ông nói.
Khách sạn 5 sao lỗ 5 tỉ đồng một tháng
Đầu năm 2019, khách sạn 5 sao mang tên Nha Trang Horizon - với 36 tầng và 375 phòng, chính thức đón khách tại khu vực phía Bắc TP Nha Trang. Chủ đầu tư dự án đánh giá khách sạn sẽ đón đầu sự bùng nổ của ngành du lịch tại thành phố.
Những ngày đầu, công suất buồng phòng của khách sạn khá thấp, chỉ khoảng 10-20%. Nhờ nỗ lực của ban lãnh đạo và nhân viên, công suất buồng, phòng đạt 50-60% sau 6 tháng.
Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, công suất buồng phòng của Nha Trang Horizon đã đạt 80-90% - tỉ lệ khá cao trong bối cảnh thị trường Nha Trang có lượng buồng phòng 3-5 sao đang vượt nhu cầu thực tế khoảng 50.000 phòng.
Bà Nguyễn Thị Uyên Chi - Tổng quản lí khách sạn - tiết lộ rằng, để phân tán rủi ro thị trường, Nha Trang Horizon không tập trung vào một nhóm khách mà phân đều với 50% khách Trung, 20% Nga, 10% Hàn và 20% khách nội địa và các quốc gia khác.
Khách sạn có 3 du thuyền phục vụ du khách dạo vịnh Nha Trang, chơi các trò chơi thể thao trên biển và ẩm thực trên du thuyền.
"Chúng tôi cũng quan tâm đến nguồn khách địa phương với nhiều chương trình khuyến mãi và các chương trình đặc sắc Daisy Pool Bar trên tầng 4, Moonlight Café trên tầng 36 nên doanh thu những tháng cuối năm 2019 khá cao ", bà Chi kể.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, cả nước và Khánh Hòa đã mất nguồn khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngay cả khách nội địa cũng vội hủy tour, hủy đặt phòng vì lo dịch bệnh.
Mục tiêu của Nha Trang Horizon trong tháng 1 là đạt công suất trên 95%, nhưng dịch bùng phát vào tuần cuối của tháng 1 khiến hàng loạt khách hủy phòng.
"Mất tuần cuối, tháng 1 chúng tôi còn 60% công suất buồng phòng, nhưng tháng 2 chỉ duy trì mức 10-15% và lịch đặt phòng của tháng 3 vào khoảng 5-10%. Trung bình tháng 2 chúng tôi lỗ khoảng 5 tỉ đồng và chắc chắn tháng 3 con số lỗ sẽ cao hơn", bà Chi tính toán.
Dù Nha Trang Horizon đang lỗ nặng và vẫn phải trả lãi ngân hàng nhưng, theo bà Chi, họ không thể đóng cửa vì có thể mất nguồn khách quen.
"Các đối tác hủy tour, khách hủy đặt phòng nhưng chúng tôi buộc phải trả lại tiền cọc cho họ vì đây là trường hợp bất khả kháng", bà Chi nói.
Tuy nhiên, trong ngành khách sạn, tiền đặt phòng thường được dùng để mua sắm, dự trữ thực phẩm đồ dùng nên khách sạn phải vay ngân hàng để trả lại cho khách và đối tác trong khi vẫn phải trả tiền lãi ngân hàng để xây dựng khách sạn.
Hơn nữa, khách sạn đã dự trữ nguồn thực phẩm lớn để phục vụ khách vụ trong đợt cao điểm vừa qua, nhưng phải bỏ rất nhiều vì hết hạn sử dụng. Với số thực phẩm còn lại, khách sạn nấu cho nhân viên ăn dù đây là những loại thực phẩm cao cấp để phục vụ nhóm khách tiêu chuẩn 5 sao.
Khủng hoảng trầm trọng nhất trong 20 năm của ngành khách sạn
"20 năm làm trong ngành khách sạn, tôi chưa chứng kiến cuộc khủng hoàng nào trầm trọng và kéo dài không có điểm dừng như thế", bà Chi thừa nhận.
Điều khó khăn nhất của ngành khách sạn nói chung và Nha Trang Horizon nói riêng là cân đối nhân viên. Nhiều khách sạn buộc phải cho nhân viên thôi việc vì không còn khách.
Trước dịch, khách sạn Nha Trang Horizon có gần 240 nhân viên làm việc toàn thời gian và vài chục nhân viên làm việc bán thời gian, Nhưng hiện tại họ chỉ còn khoảng 160 nhân viên chia nhau công việc, nghỉ luân phiên theo ngày.
Không nhân viên nào phải nghỉ việc bắt buộc là điều may mắn đối với bà Chi. Một số nhân viên nhận thấy năng lực còn hạn chế nên xin thôi việc để đầu tư chuyên môn.
Vài người khác không thể trang trải cuộc sống tại TP Nha Trang với mức thu nhập thấp hơn nên xin về quê.
"Đối với những bạn đã nghỉ việc trong thời gian này, chúng tôi đều giữ lại danh sách và sẽ gọi các bạn trở lại làm việc khi thị trường sôi động trở lại", nữ tổng quản lí bình luận.
Cũng theo bà Chi, giai đoạn này vắng khách nên bà hướng nhân viên tự rèn luyện bản thân để chuyên nghiệp hơn trong nghiệp vụ và ngoại ngữ.
Ngoài ra, khách sạn sẽ tổ chức nhiều buổi học nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên để khi thị trường tăng trưởng trở lại, đón nhiều luồng khách mới nhân viên của Nha Trang Horizon đủ năng lực để phục vụ.
Tình trạng vắng khách khiến khách sạn 375 phòng cũng trở nên yên ắng. Vì thế, ban điều hành đã dồn khách lại thành từng khu hoặc về cùng một tầng để giảm các chi phí vệ sinh, điện, nhân sự, đồng thời cũng tạo cho khách cảm giác đông vui khi lưu trú tại Nha Trang Horizon.