Vận tải biển Việt Nam (VOS) lỗ quý thứ 5 liên tiếp
CTCP Vận tải biển Việt Nam (mã: VOS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, với doanh thu giảm 26% so với cùng kỳ năm trước xuống gần 255 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm 32% giúp lợi nhuận gộp trong kỳ được cải thiện dương 4 tỷ đồng, trong khi quý I/2020 lỗ gộp 24 tỷ đồng.
Quý I/2021, doanh thu hoạt động tài chính, chủ yếu từ trái phiếu phát hành tăng gấp 8 lần đạt 25 tỷ đồng. Các chi phí được kiểm soát, đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Khấu trừ chi phí liên quan, kết thúc quý I/2021, VOS lỗ sau thuế 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 86 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý lỗ thứ 5 liên tiếp của công ty Vận tải biển Việt Nam.
Tại thời điểm 31/3/2021, VOS sở hữu 2.738 tỷ đồng tổng tài sản, chủ yếu là tài sản dài hạn, chiếm 68%. Đầu tư tài chính ngắn hạn gồm tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu tăng 36% so với đầu năm lên gần 118 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng 75% lên xấp xỉ 93 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả cuối kỳ của doanh nghiệp 2.249 tỷ đồng. Trong đó, tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn - dài hạn giảm 103 tỷ đồng so với đầu năm xuống 1.225 tỷ đồng. VOS đang trong tình trạng mất cân đối tài chính khi tài sản ngắn hạn (868 tỷ đồng) thấp hơn so với khoản nợ phải trả ngắn hạn (963 tỷ đồng).
Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của VOS 489 tỷ đồng, giảm so với 508 tỷ đồng đầu năm. Trong đó, vốn góp chủ sở hữu 1.400 tỷ đồng, lỗ luỹ kế gần 941 tỷ đồng.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) có thông báo về việc cổ phiếu của VOS bị đưa vào diện kiểm soát và hạn chế thời gian giao dịch từ ngày 13/4. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2019 là âm 734 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 là âm 187 tỷ đồng.
Theo giải trình của doanh nghiệp, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020, Vận tải biển Việt Nam đặt mục tiêu lãi 30,89 tỷ đồng trên cơ sở tái cơ cấu được nợ với Vietcombank và thanh lý thành công tàu Đại Nam trong quý I/2020, tổng thu của hai khoản này nếu thực hiện được là khoảng 140 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu với Vietcombank chỉ được hoàn thành vào ngày cuối của năm nên công ty không thực hiện thanh lý được tàu Đại Nam mà còn phải duy trì trả lãi vay cho tàu trong năm 2020. Cùng với hiệu quả sụt giảm từ việc giảm giá cước khoảng 100 tỷ đồng nên công ty ghi nhận lỗ sau thuế 187 tỷ đồng.
Cổ phiếu VOS đã được giao dịch toàn thời gian trở lại từ ngày 15/4. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/4, cổ phiếu VOS dừng ở mức 3.730 đồng/cp, giảm 6,98%. Trước đó, mã này đã có 3 phiên giảm sàn liên tiếp.