Ủy ban Quản lý vốn nêu lý do không đồng ý cho VIMC giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước
Theo đó, về cơ cấu lại tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ - VIMC, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, tại dự thảo Đề án, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ - VIMC từ 99,47% xuống 65%. Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, giai đoạn 2021-2025 tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ cần đảm bảo tối thiểu như hiện tại (99,47%).
Lý do được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra bởi cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo, tăng cường hợp tác quốc tế về biển, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, VIMC là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh trên 3 lĩnh vực: vận tải biển, cảng biển, logistics với mạng lưới rộng khắp cả nước, đồng thời định hướng, xây dựng mạng lưới khu vực và toàn cầu; quản lý trực tiếp và gián tiếp 14 cảng biển có vị trí địa lý quan trọng, liên quan đến quốc phòng - an ninh quốc gia. Trong đó có 2 cảng biển đặc biệt, 12 cảng biển loại I.
Hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh của VMIC ổn định và tăng trưởng, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 230 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, lợi nhuận trước thuế đạt 525,5 tỷ đồng, tăng 119% so với kế hoạch năm 2022.
Lý do nữa là VIMC phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị; tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... tại doanh nghiệp.
Mặt khác, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản số 282/UBQLV-TH ngày 12/9/2022 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại Công ty mẹ - VIMC như hiện nay là 99,47% trong giai đoạn 2021 -2025, đảm bảo phù hợp với quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về cơ cấu lại tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp thành viên của Công ty mẹ - VIMC, theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong lĩnh vực vận tải biển, định hướng phát triển vận tải biển tại VIMC giai đoạn 2021 – 2025 là đầu tư đội tàu thế hệ mới, hiện đại, trọng tâm phát triển đội tàu vận tải container đáp ứng nhu cầu phát triển các tuyến vận tải quốc tế đạt hiệu quả cao.
Hiện tại, các doanh nghiệp thành viên sở hữu đội tàu biển (chủ yếu là tàu vận tải hàng rời, hàng khô) đã hoạt động khai thác, kinh doanh bình quân trên 20 năm, trong quá trình vận hành bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết.
Cụ thể là tiêu hao nhiên liệu cao, chi phí sửa chữa, lãi vay lớn dẫn đến kém lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên suy giảm nghiêm trọng, thua lỗ kéo dài; hiện tại, tồn tại một số doanh nghiệp lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu, bao gồm: Công ty cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông, Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam.
Vì vậy, Đề án đề xuất giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp thành viên thuộc lĩnh vực vận tải biển tại Dự thảo là phù hợp thực trạng, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực vận tải biển của VIMC.
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, mục tiêu phát triển lĩnh vực dịch vụ hàng hải và logistics giai đoạn 2021 – 2025 được xác định, cụ thể: phát triển một thương hiệu duy nhất về hoạt động logistics tích hợp có năng lực cạnh tranh cao, hoạt động trên nền tảng công nghệ số, thiết kế và cung cấp các giải pháp tối ưu trong dịch vụ chuỗi logistics khép kín đối với hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ logistics của VIMC.
Giai đoạn 2016 – 2020, các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải và logistics của VIMC có quy mô nhỏ, hạn chế về nguồn lực đầu tư mở rộng, nâng cấp phương tiện vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng logistics. Năng lực và lợi thế cạnh tranh thấp so với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân hoạt động cùng lĩnh vực/thị trường. Mặt khác, cơ chế hoạt động linh hoạt, tự chủ còn nhiều hạn chế, cung cấp các dịch vụ cơ bản hoặc đơn lẻ, giá trị gia tăng thấp và thiếu tính kết nối, hoạt động quản trị doanh nghiệp còn chưa chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Do đó, nội dung đề xuất giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp thành viên thuộc lĩnh vực dịch vụ hàng hải và logistics theo dự thảo đề án là phù hợp thực trạng, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh.