|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam lãi hơn 3.000 tỷ đồng năm 2022, vượt 24% kế hoạch

20:30 | 07/01/2023
Chia sẻ
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ước lãi 3.129 tỷ đồng năm 2022 trong bối cảnh ngành hàng hải gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC – Mã: MVN), ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC thông tin, năm 2022, doanh thu hợp nhất của tổng công ty ước đạt 15.041 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch, vượt 5% so với năm 2021. Lợi nhuận hợp nhất khoảng 3.129 tỷ đồng, vượt 24% mục tiêu đề ra, giảm 14% so với năm trước.

Trong đó, lợi nhuận khối vận tải biển năm 2022 chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 1.869 tỷ đồng. Khối cảng biển ước đạt lợi nhuận 1.550 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, sản lượng vận tải biển khoảng 21,8 triệu tấn, vượt 13% kế hoạch. Sản lượng hàng thông qua cảng biển của VIMC khoảng 124 triệu tấn, giảm 7% so với mục tiêu đặt ra.

Một số đơn vị vận tải biển có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nổi bật năm 2022 gồm: CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco) ghi nhận lãi 659 tỷ đồng vượt 30%; Công ty Vận tải biển VIMC (VIMC Shipping) có lợi nhuận 415,5 tỷ đồng, vượt 146%; CTCP Vận tải Biển Vinaship (Vinaship) đạt lợi nhuận 319 tỷ đồng tăng 176% so với năm 2021.

Tuy nhiên, lãnh đạo VIMC cho rằng, trong năm 2022, những khó khăn mà ngành vận tải biển bắt đầu phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức như chỉ số thuê tàu hàng của thị trường đi xuống; thị trường tàu container quốc tế, giá cước vận tải liên tục giảm mạnh; thị trường vận chuyển container nội địa sản lượng hàng hóa luôn ở mức thấp trong khi nguồn cung tàu tuyến nội địa gia tăng; tuổi tàu VIMC cao (20 năm), tính năng không đồng bộ, khó cạnh tranh hãng tàu nước ngoài.

Khả năng cao, năm 2023, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.

Lĩnh vực cảng biển của VIMC cũng sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý IV/2022.

Trước tình hình đó, VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng. Còn sản lượng vận tải biển khoảng 17,7 triệu tấn, sản lượng khối cảng biển đạt 134,7 triệu tấn.

Mục tiêu trong thời gian tới của VIMC là nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm như dự án đầu tư bến 3, 4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng Liên Chiểu. 

Lâm Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.