Ưu tiên chọn xe điện của người Việt: Sạc từ cạn bình tới 80% trong tối đa 40 phút, đi được tối thiểu 400km/lần sạc
Vừa qua, hãng kiểm toán Deloitte đã công bố Báo cáo Nghiên cứu Toàn cầu về Người tiêu dùng Ô tô năm 2023, trong đó có phần góc nhìn riêng về thị trường Đông Nam Á.
Theo đó, để có được báo cáo này, từ tháng 9 đến tháng 10/2022, Deloitte đã khảo sát hơn 26.000 người tiêu dùng tại 24 khu vực địa lý để tìm hiểu ý kiến về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến ngành ô tô, bao gồm sự quan tâm của người tiêu dùng đối với việc sử dụng xe điện (EV), nhận thức về thương hiệu, và áp dụng công nghệ được kết nối.
Trong đó, có 6.048 người ở 6 khu vực địa lý trong khu vực Đông Nam Á tham gia khảo sát, gồm 1.003 người ở Indonesia, 1.006 người ở Malaysia, 1.008 người ở Philippines, 1.003 người ở Singapore, 1.009 người ở Thái Lan và 1.019 người tại Việt Nam.
Nhìn chung, quá trình dịch chuyển sang xe điện đang diễn ra ở tốc độ khác nhau trên khắp Đông Nam Á. Mối quan tâm dành cho công nghệ hybrid cũng tiếp tục vượt xa xe chạy điện hoàn toàn (BEV) ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Thái Lan.
Loại động cơ ưu tiên cho chiếc xe tiếp theo của người Việt tham gia khảo sát gồm xe động cơ xăng/dầu (ICE) là 49%, xe điện lai (HEV) 7%, xe điện lai sạc điện (PHEV) 18%, xe điện chạy pin (BEV) 19% và các loại động cơ khác 7%.
Động lực chính để người dùng Đông Nam Á quyết định chọn xe điện làm phương tiện tiếp theo của mình vẫn đến từ việc họ cho rằng loại xe này có chi phí nhiên liệu thấp hơn. Riêng tại Việt Nam, một số động lực chính khác thúc đẩy người dùng mua xe điện có thể kể tới như: Quan tâm tới sức khỏe cá nhân, trải nghiệm lái xe tốt hơn, khả năng sử dụng xe làm nguồn pin/điện dự phòng hay lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất khi nói đến việc sử dụng xe điện là cơ sở sạc điện. Theo báo cáo của Deloitte, các quốc gia cần tập trung vào việc xây dựng khả năng sạc công cộng để giải quyết các mối lo ngại về phạm vi hoạt động.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người tiêu dùng sẽ sạc xe điện tại nhà. Điều này đặt ra câu hỏi về tính khả thi của việc sạc tại nhà trong bối cảnh đô thị đông dân cư của Đông Nam Á. Tại Việt Nam, 55% người tiêu dùng tham gia cuộc khảo sát dự định sạc thường xuyên xe điện của họ tại nhà, 17% người tham gia khảo sát dự định sạc xe điện thường xuyên tại nơi làm việc và 28% dự định sạc xe điện thường xuyên trên phố/trạm sạc công cộng.
Mặc dù nhà là địa điểm sạc được nhiều tiêu dùng tại Đông Nam Á dự định sạc xe điện thường xuyên nhất, song việc lắp đặt bộ sạc tại nhà có thể là thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội thu hút người tiêu dùng vào các thị trường nơi rào cản chính đối với việc sạc tại nhà là chi phí lắp đặt thiết bị.
Yếu tố lớn nhất gây cản trở người tiêu dùng sạc xe điện tại nhà ở Việt Nam là chi phí lắp đặt quá cao (35%), theo báo cáo của Deloitte. Các yếu tố khác có thể kể tới bao gồm không có nhu cầu lắp đặt (26%), không có khả năng lắp đặt (21%), không biết cách lắp đặt (17%) và các yếu tố khác (1%).
Theo Deloitte, việc giúp người sở hữu xe điện thanh toán dễ dàng khi sử dụng sạc công cộng có vai trò vô cùng quan trọng khi đưa vào áp dụng tổng thể, và tạo nên điểm khác biệt chính để các cơ sở vận hành trong hệ thống củng cố vị thế của họ trong thị trường siêu cạnh tranh.
Ứng dụng điện thoại là phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất khi sạc xe điện ở nơi công cộng tại đa số quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, nơi thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ là phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất.
Một vấn đề khác được quan tâm nhiều là kỳ vọng về thời gian sạc và quãng đường đi được của xe điện. Theo báo cáo của Deloitte, người tiêu dùng ở hầu hết các thị trường Đông Nam Á sẵn sàng chờ lâu hơn 10 phút để nạp năng lượng.
Riêng tại thị trường Việt Nam, phần đông người tham gia khảo sát (34%) sẵn sàng chờ 21 đến 40 phút để sạc xe điện từ cạn bình lên 80% tại các trạm sạc công cộng. Mặt khác, chỉ có 1% người tham gia khảo sát sẵn sàng chờ lâu hơn 120 phút.
Trong khi đó, khoảng một nửa số người cân nhắc mua xe, nhưng không lựa chọn xe điện trên tất cả các thị trường Đông Nam Á, cho rằng để xe điện trở thành lựa chọn cho chiếc xe tiếp theo của họ, một chiếc xe điện đầy pin cần đi được quãng đường tối thiểu là 400 km.
Bên cạnh kỳ vọng là những lo ngại liên quan đến việc dùng xe điện chạy pin hoàn toàn. Đối với người Việt tham gia khảo sát, các mối bận tâm lớn nhất của họ gồm: Thiếu cơ sở vật chất sạc điện công cộng (48%); thời gian cần thiết để sạc đầy (43%); thiếu nguồn điện thay thế tại nhà (42%); quãng đường đi được, chi phí sạc và vận hành liên tục (41%)…