Ukraine bày mồi nhử đánh lừa, Nga lãng phí đạn dược vô ích
Binh lính Nga đã phá hủy một nửa số thiết bị mà công ty Metinvest sản xuất cho quân đội Ukraine. Nhưng các nhà quản lý của Metinvest lại muốn lính Nga nhắm đến chúng nhiều hơn nữa.
Tại một công xưởng ở trung tâm Ukraine, các công nhân đang bận rộn chế tạo các bộ phận của lựu pháo, trạm radar và súng cối. Tất cả đều là đồ giả được làm từ màng xốp, phế liệu và ống nước. Metinvest chuyên sản xuất các bản sao vũ khí chất lượng cao dùng làm mồi nhử, tìm cách thu hút hỏa lực của Nga.
Tên lửa, đạn pháo hoặc máy bay không người lái nhắm vào những bản sao này sẽ khiến Nga có ít vũ khí hơn để tấn công vào binh lính và thiết bị thật của Ukraine.
Một trung đội trưởng của Ukraine cho biết đơn vị của ông đã sử dụng mồi nhử để xác định vị trí pháo binh Nga và báo cho các lực lượng Ukraine khác nhắm mục tiêu vào đó.
Năm ngoái, một cơ quan giám sát độc lập đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh một máy bay không người lái Lancet của Nga tấn công hệ thống radar của Ukraine. Hệ thống này hóa ra là mồi nhử được chế tạo từ một chiếc xe bị hỏng.
Trong quá khứ, đánh lừa kẻ thù là một chiến lược quan trọng trên chiến trường. Bộ Tam Quốc diễn nghĩa có đoạn Gia Cát Lượng cần 100.000 mũi tên cho chiến trận nên đã tạo ra một lực lượng giả làm bằng hình nộm rơm. Trong bóng tối, ông cho người chất chúng lên những chiếc thuyền băng qua sông, thu hút loạt mưa tên của đối phương, rồi thu hồi chúng lại để làm vũ khí cho quân mình.
Tuy nhiên, chiến sự giữa Nga và Ukraine đã đem đến những thách thức mới. Ảnh nhiệt có thể tiết lộ các mục tiêu mà mắt thường không thể nhìn thấy hoặc lật tẩy các thiết bị được dùng làm mồi nhử. Các binh sĩ Ukraine cho biết việc đánh lừa kẻ thù đã trở nên khó khăn hơn, nhưng cũng cần thiết hơn.
Mồi nhử có thể giúp đánh lừa kẻ địch về kế hoạch tấn công hoặc khiến đối thủ tưởng một khu vực nào đó đang được phòng thủ tốt hơn thực tế, ngăn chặn một cuộc tấn công. Ukraine sử dụng mồi nhử trên chiến trường và Nga cũng vậy.
Sau khi lính Nga tràn vào biên giới, quân đội Ukraine đã thuyết phục Metinvest, công ty sản xuất thép lớp nhất đất nước, chế tạo mồi nhử. Công ty này cũng đóng góp cho cuộc chiến của Ukraine bằng cách chế tạo nơi trú ẩn và tấm chống đạn cho lực lượng Ukraine và thay mặt họ mua máy bay không người lái.
Tại công xưởng, các nhân viên bắt đầu làm việc bằng cách in hình ảnh vũ khí từ internet và phân tích xem họ nên làm thế nào để mô phỏng các máy móc cồng kềnh từ vật liệu nhẹ.
Để tiêu chuẩn hóa sản xuất, họ đã tạo ra các khuôn bằng ván ép để chạm khắc các bộ phận từ khối xốp. Việc sử dụng vật liệu nhẹ giúp tạo ra các bộ phận mà quân đội có thể nhanh chóng lắp ráp trên chiến trường.
Đối với mắt thường, khẩu lựu pháo giả của Metinvest trông giống hệt như đồ thật trên mặt trận. Khi sờ vào, chúng có cảm giác hơi xốp.
Công nhân của Metinvest cần bốn ngày để tái tạo một lựu pháo D-20 của Ukraine và hai tuần đối với lựu pháo M777 của Mỹ. Mồi nhử tốn nhiều công sức nhất là bộ radar 35D6. Thiết bị này cần đến một tháng để sản xuất vì nó có kích thước lớn và nhiều bộ phận, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.
Người đứng đầu xưởng chế tạo mồi nhử của Metinvest cho biết: “Theo thời gian, chúng đã trở nên giống thật hơn”.
Nhưng ngày nay, một bản sao tốt không còn đủ để đánh lừa đối thủ. Binh lính phải triển khai chúng giống như vũ khí thật: che giấu dưới lưới ngụy trang và đào hào xung quanh. Người đứng đầu xưởng nói tiếp: “Quân Nga không phải kẻ ngốc”.
Ngày nay, chỉ đánh lừa thị giác và máy ảnh là chưa đủ. Mồi nhử phải bắt chước cả cách sử dụng. Việc bắn đạn nổ tạo ra nhiều nhiệt đến mức nòng pháo có thể phát sáng nóng đỏ, tạo ra tín hiệu hồng ngoại mà các cảm biến chuyên dụng có thể dễ dàng phát hiện.
Các công nhân của Metinvest phát hiện rằng họ có thể bắt chước hiệu ứng này bằng cách kích hoạt bom khói - thường được sử dụng trong kiểm soát dịch hại nông nghiệp - bên trong nòng mồi nhử.
Người đứng đầu công xưởng của Metinvest cho biết khoảng một nửa trong số 250 mồi nhử mà họ cung cấp cho quân đội Ukraine đã bị phá hủy.
Đoạn video trên điện thoại của ông cho thấy một chiếc máy bay không người lái lao về phía mồi nhử và rơi xuống mặt đất gần đó. Các mảnh vỡ của hai máy bay không người lái đã tấn công các trạm radar giả đang được trưng bày tại xưởng.
Ông Oleksandr Myronenko, Giám đốc vận hành của Metinvest, cho biết: “Bây giờ chúng tôi đang xem xét việc sản xuất xe tăng và phương tiện vận tải làm mồi nhử”.