|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chi phí tài trợ cho chiến sự tăng vọt, nền kinh tế Nga có thể gánh hậu quả nặng nề

15:15 | 02/09/2023
Chia sẻ
Giới chuyên gia ước tính chi phí quân sự của Nga trong năm 2023 có thể lên đến 200-300 tỷ USD. Nếu xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài lâu hơn nữa, Moscow sẽ buộc phải thực hiện một số đánh đổi, khiến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng mờ mịt và mức sống của người dân giảm sút.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Telegraph).  

Chi tiêu "không giới hạn"

Trong cuộc họp cấp cao với các tướng Nga hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố: “Chúng ta không có bất kỳ giới hạn nào. Đất nước, chính phủ sẽ cung cấp bất cứ điều gì quân đội yêu cầu”.

Đến nay, ông Putin có vẻ vẫn đang giữ lời hứa đó. Tuy nhiên, để tài trợ cho quân đội, Nga ngày càng phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh tế trong nước.

Vài tuần trước cuộc họp trên, ông Putin đã ký phê chuẩn một gói ngân sách, trong đó dành 4.980 tỷ ruble – tương đương 52 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại – cho hoạt động quốc phòng năm 2023, nhiều hơn một chút so với chi tiêu năm 2022.

Song, theo một tài liệu chính phủ mà Reuters được xem hồi đầu tháng 8, ước tính chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng hiện đã tăng gấp đôi lên 9.700 tỷ ruble (khoảng 101 tỷ USD). Số tiền này cao gần gấp ba lần những gì Nga chi cho quốc phòng vào năm 2021.

Tuy nhiên, có lẽ ngay cả các số liệu trên cũng không thể hiện được hết chi phí mà Nga phải bỏ ra cho chiến dịch tại Ukarine. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính rằng khoản mục “quốc phòng” trong ngân sách của Nga thực chất chỉ chiếm khoảng 3/4 tổng chi tiêu cho quân đội.

Ông Richard Connolly, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia, cũng cho rằng chi tiêu quân sự của Nga trong năm nay sẽ vượt xa 100 tỷ USD.

Ông cho biết trong thời bình, Nga thường chi khoảng 3-4% GDP hàng năm cho quốc phòng. Nhưng bây giờ con số này có thể nằm trong khoảng 8-10% GDP, tức khoảng 200 tỷ USD.

Ông Janis Kluge, thành viên cấp cao tại Viện các Vấn đề An ninh và Quốc tế Đức, thậm chí còn đưa ra ước tính gần 300 tỷ USD.

 

Sự hào phóng của Điện Kremlin đối với quân đội khiến nền kinh tế phải trả giá đắt. Thâm hụt ngân sách của Nga đã tăng mạnh kể từ khi Moscow phát động cuộc chiến. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã góp phần khiến doanh thu từ dầu khí của Nga trong 7 tháng đầu năm 2023 giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này đồng nghĩa với việc Moscow phải vay nhiều hơn. Thứ trưởng Tài chính Nga Irina Okladnikova thừa nhận: “Chúng ta sẽ vay thêm nợ, đây là một tình huống vô vọng. Chúng ta sẽ phải làm điều này vì chi tiêu gia tăng còn nguồn thu thì không”.

Nga vẫn có thặng dư thương mại dù nhập khẩu đã tăng đáng kể vì chi tiêu quân sự. Nhưng mức thặng dư đó đã giảm 85% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết thặng dư thương mại giảm sút nhanh chóng là một trong những nguyên nhân khiến đồng ruble mất giá. Trong năm nay, giá ruble đã giảm 30%, có lúc hơn 100 đồng mới đổi được 1 USD.

 

Ông Kluge dự đoán đồng nội tệ của Nga có thể xuống sau hơn nữa. Ông cho biết: “Điều Moscow lo sợ là người dân mất lòng tin vào đồng nội tệ, bởi khi đó mọi người sẽ bắt đầu đổi hết ruble sang ngoại tệ, tạo ra vòng lặp tai hại. Viễn cảnh này có thể biến thành khủng hoảng tiền tệ ở Nga”.

Đồng tiền suy yếu khiến giá cả trở nên đắt đỏ hơn. Hôm 15/8, ngân hàng trung ương Nga đã tổ chức cuộc họp khẩn và tăng lãi suất 3,5 điểm %, lên 12%. Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi ruble rơi xuống đáy 17 tháng so với USD, với mục tiêu “hạn chế rủi ro mất ổn định giá cả”. Lạm phát giá tiêu dùng của Nga đạt 4,3% trong tháng 7, vượt quá mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương. 

“Lựa chọn khó khăn”

Các áp lực lên nền kinh tế Nga ngày càng lớn. Giá năng lượng đã giảm mạnh kể từ đỉnh năm ngoái. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 7 thấp hơn 4,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Ông Liam Peach, nhà kinh tế chuyên về thị trường mới nổi tại Capital Economics, nhận xét: “Nga không thể sống khi giá dầu giảm sâu hơn nữa. Để kinh tế ổn định, giá dầu phải ổn định ở mức hiện nay". 

Bà Alexandra Prokopenko, học giả tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia ở Berlin, dự đoán Nga có thể tài trợ cho cuộc chiến tại Ukraine thêm khoảng một năm nữa. Nhưng nếu xung đột kéo dài lâu hơn thế, chính phủ sẽ phải thực hiện một số “lựa chọn khó khăn”.

Bà nói với CNN: “Nga sẽ phải tăng thuế hoặc giảm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, ví dụ như xây đường hay bảo trì cầu, bởi chi tiêu quân sự sẽ ngày càng đòi hỏi thêm tiền từ ngân sách”.

Ông Peach đồng ý rằng có khả năng Nga sẽ tăng thuế lên những ngành sinh lời nhất nền kinh tế, ví dụ như ngân hàng hay công ty năng lượng. Ông nói thêm: “Cái giá phải trả...là triển vọng tăng trưởng sa sút, mức sống của người dân xuống dốc".  

Giang