|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc phản công của Ukraine rơi vào bế tắc, phương Tây cũng lâm vào thế bí trên mặt trận kinh tế với Nga

08:10 | 04/08/2023
Chia sẻ
Cho đến nay, Nga đã thành công trong việc bảo vệ nền kinh tế trước các đòn trừng phạt của phương Tây và xây dựng phòng tuyến vững chắc để đối phó với cuộc phản công của Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng Nga có một điểm yếu lớn mà Moscow không dễ khắc phục.

Một người lính Ukraine bắn pháo về hướng Bakhmut. (Ảnh: Getty Images). 

Bền bỉ bất ngờ

Năm ngoái, khoảng vài tuần sau khi Nga điều quân sang Ukraine, các quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo Moscow rằng loạt biện pháp trừng phạt mà phương Tây tung ra có thể khiến quy mô nền kinh tế Nga giảm một nửa. Nhưng GDP năm 2022 của Nga chỉ giảm 2,1%, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tăng trưởng năm 2033 của nước này sẽ đạt 1,5%.

Thất bại của phương Tây trong việc nhanh chóng hạ gục nền kinh tế Nga cũng giống với thế bế tắc trên chiến trường của Ukraine, bất chấp các viện trợ quân sự và kinh tế to lớn mà Mỹ và đồng minh cung cấp cho Kiev.

Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công vào tháng 6, mục tiêu là giành lại phần lãnh thổ ở miền đông và nam. Nhưng cho đến nay, quân đội nước này chưa đạt được bước tiến đáng kể.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng nỗ lực của nước này bị cản trở bởi hệ thống phòng thủ vững chắc mà Nga đã xây dựng để đón đầu cuộc tấn công lớn của Ukraine.

Những hình ảnh vệ tinh từ khi Ukraine bắt đầu chuẩn bị chiến dịch cho thấy Nga đã củng cố chiến tuyến dài hơn 900 km bằng các bãi mìn, chướng ngại vật và hào chống tăng. Tại một số nơi, các bãi mìn của Nga đã buộc binh lính Ukraine phải để lại xe tăng tiên tiến mà phương Tây gửi đến và đi bộ. 

Ông Mick Ryan, một vị tướng Australia đã về hưu, mô tả phòng tuyến mà Nga xây dựng ở Ukraine “phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với các chướng ngại mà bất kỳ quân đội nào từng đối mặt trong gần 80 năm qua”.

Ông nói với tờ Economist rằng việc vượt qua các tuyến phòng thủ đó sẽ đòi hỏi kỹ năng vận hành vũ khí siêu việt. Còn Ukraine thì chưa thể hiện được năng lực này trên quy mô lớn, theo nhận xét của nhà phân tích quân sự Michael Kofman. 

Khi Mỹ mới tiết lộ các đòn tấn công kinh tế vào Nga, chính quyền Tổng thống Biden mô tả chúng là những biện pháp trừng phạt nặng nề nhất trong lịch sử. Nhưng nền kinh tế Nga đã xoay xở thành công để Điện Kremlin tài trợ cho cuộc chiến tiêu hao tại Ukraine, một điều mà Mỹ vốn luôn muốn tránh.

Ban đầu, các biện pháp trừng phạt đã cắt đứt nguồn cung microchip và các linh kiện công nghệ cao của Nga, hạn chế khả năng sản xuất tên lửa dẫn đường chính xác của nước này.

Nhưng sau đó, Moscow đã tìm được lỗ hổng thông qua các nước láng giềng và đang không kích vào Ukraine mỗi ngày với các loại vũ khí chính xác cao, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết. 

Dòng chảy dầu thô của Nga cũng chưa bị cắt đứt, dù việc chúng bị bán với giá chiết khấu cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của nhà nước.

Ông Sergei Guriev, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, đánh giá: “Các biện pháp trừng phạt chưa phá hủy nền kinh tế Nga. Chúng đã bắt đầu cản trở nhưng không thể hoàn toàn ngăn cản Nga tài trợ cho chiến sự của Tổng thống Putin”.

 

Điểm yếu của Nga

Các nhà phân tích nhận định rằng đằng sau sự bền bỉ của nền kinh tế Nga là các biện pháp kích thích đáng kể của chính phủ, sự chuyển dịch sang nền kinh tế thời chiến và việc chuyển hướng thương mại sang các đối tác ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhu cầu của thế giới dành cho các hàng hóa của Nga cũng giúp củng cố nền kinh tế nước này. Năm ngoái, tài khoản vãng lai của Nga - thước đo tổng quát về dòng vốn chảy vào nền kinh tế - đã đạt thặng dư cao kỷ lục.

Giáo sư Guriev nhìn nhận: “Nga tiếp tục bán hàng cho những nước không nằm trong liên minh trừng phạt. Do đó, các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ và châu Âu gây ra được tác động đáng kể nhưng không phải đòn đánh quyết định vào Nga”.

Ông Nicholas Mulder, Giáo sư sử học tại Đại học Cornwell, chỉ ra rằng quy mô lớn của nền kinh tế Nga khiến cho việc cắt đứt nước này khỏi nền kinh tế thế giới là điều không thể.

Nga tiếp tục là nguồn nguyên liệu thô chính cho các nền kinh tế phát triển, còn tại các nước đang phát triển, Nga là nhà cung cấp thực phẩm và phân bón quan trọng.

Việc Moscow nhanh chóng xoay trục từ châu Âu sang châu Á với tư cách là một đối tác thương mại có thể mang lại lợi thế lớn cho Nga. Ông Mulder nhận xét: “Trên thực tế, Nga đã liên kết với khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới". Vị giáo sư lưu ý rằng 3/4 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ đến từ châu Á.

Ông tin rằng điểm yếu của Nga là tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng - vấn đề mà Moscow không thể giải quyết bằng cách cải tổ thương mại.

Nga đang trải qua cảnh thiếu hụt tồi tệ nhất kể từ thập niên 1990 trong bối cảnh tình trạng di cư và huy động quân cho cuộc chiến lấy mất lượng lớn người lao động từ các doanh nghiệp. Tháng trước, ngân hàng trung ương Nga cảnh báo rằng tình trạng khan hiếm lao động đang thúc đẩy lạm phát.

Giáo sư Guriev của Viện Nghiên cứu Chính trị Paris bình luận: “Khủng hoảng của thị trường lao động, lạm phát gia tăng, tác động của các biện pháp trừng phạt công nghệ - tất cả những yếu tố này đều có vai trò rất quan trọng. Chúng làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế Nga, cản trở khả năng sáng tạo và đổi mới đất nước. Nga sẽ trì trệ và khả năng bắt kịp các nước phát triển sẽ bị hạn chế”.

Bà Alexandra Prokopenko, học giả tại Trung tâm Á Âu NgaCarnegie, nhận xét: “Nền kinh tế Nga không bền vững trong dài hạn. Tình cảnh hiện nay gợi nhớ về thời Liên Xô và chúng ta đều đã biết kết cục của nền kinh tế Liên Xô”.

Giang