Nga tấn công các cảng của Ukraine, giá ngũ cốc thế giới bật tăng
Ngăn chặn xuất khẩu
Hôm 2/8, Nga đã tấn công cảng nội địa chính của Ukrane ở sông Danube, đối diện với Romania, khiến giá thực phẩm toàn cầu đi lên. Trong những ngày gần đây, Nga đang tăng cường sử dụng vũ lực để ngăn chặn Ukraine xuất khẩu ngũ cốc, theo Reuters.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã phá hủy các tòa nhà ở cảng Izmail và khiến tàu thuyền phải dừng lại khi họ chuẩn bị đến đó để chất hàng ngũ cốc của Ukraine. Những động thái này cho thấy trên thực tế, Nga đã áp đặt lại lệnh phong tỏa đối với các các cảng biển ở Ukraine.
Phó Thủ tướng Oleksandr Kubrakov của Ukraine nói rằng các cuộc tấn công của Nga đã làm hư hại gần 40.000 tấn ngũ cốc dự kiến được chuyển cho các nước châu Phi, Trung Quốc và Israel.
Ông viết trên Facebook rằng cơ sở hạ tầng của các cảng tại Danube đã bị “tàn phá”. Ông cảnh báo: “Ngũ cốc của Ukraine là thứ không thể thiếu đối với thế giới và không thể được thay thế bởi bất kỳ quốc gia nào khác trong những năm tới. Cảng Izmail bị hư hại nhiều nhất, bao gồm khu vực tiếp dỡ hàng hóa và cơ sơ hạ tầng của công ty Danube Shipping Company”.
Cơ quan truyền thông nhà nước Nga lại tuyên bố rằng cơ sở hạ tầng cảng và ngũ cốc bị tấn công là nơi trú ngụ của lính đánh thuê nước ngoài và khí tài quân sự.
Video do chính quyền Ukraine công bố cho thấy lính cứu hỏa dùng thang để chiến đấu với ngọn lửa bốc cao trong một tòa nhà có cửa sổ bị vỡ. Một số tòa nhà lớn khác đã đổ nát và ngũ cốc tràn ra khỏi ít nhất hai kho chứa đã bị phá hủy.
Dữ liệu theo dõi tàu thuyền thương mại cho thấy vài chục tàu quốc tế đã dừng và thả neo tại ở cửa sông Danube, nhiều tàu có điểm đến đăng ký là Izmail.
Cảng Izmail là tuyến đường thay thế chính để xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi Ukraine kể từ khi lệnh phong tỏa của Nga khiến giao thông tại các cảng quanh khu vực Biển Đen của Ukraine bị đình trệ vào giữa tháng 7.
Nguồn tin trong ngành tiết lộ với tờ Reuters rằng các hoạt động tại cảng Izmail đã bị đình trệ. Người đứng đầu cơ quan cảng biển Yuriy Lytvyn thông báo trên Facebook rằng công việc sửa chữa đã bắt đầu và cơ sở hạ tầng cảng vẫn tiếp tục hoạt động.
Trên sàn giao dịch hàng hoá Chicago hôm 2/8, giá lúa mì có lúc tăng gần 5% do lo ngại về nguồn cung nhưng sau đó lại đi xuống do xuất khẩu của Nga đi lên và có các dấu hiệu cho thấy Moscow có thể đồng ý khôi phục thỏa thuận hành lang Biển Đen.
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng cảng và nông nghiệp của Ukraine trong hơn hai tuần sau khi Moscow từ chối gia hạn thỏa thuận Biển Đen được ký kết vào năm ngoái.
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực kéo Nga trở lại thoả thuận
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực tại các nước nghèo nhất thế giới vì Nga từ bỏ thỏa thuận Biển Đen do cơ quan này và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Tayyip Erdogan và lặp lại điều kiện để nối lại thỏa thuận Biển Đen. Cụ thể, Nga yêu cầu các bên áp dụng một thỏa thuận song song để cải thiện các điều khoản đối với phân bón và thực phẩm xuất khẩu của Nga. Những mặt hàng này từ trước vẫn được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nguồn tin chính thức từ phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Putin đã đồng ý sẽ sớm đến thăm nước này. Ông Erdogan hy vọng có thể tiếp đón nhà lãnh đạo nước Nga và thuyết phục ông tham gia lại thỏa thuận ngũ cốc.
Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã tấn công 26 cơ sở cảng, 5 tàu dân sự và 180.000 tấn ngũ cốc trong 9 ngày tập kích kể từ khi Moscow rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.
Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận, các cảng ở sông Danube đã trở thành tuyến đường chính để Ukrane vận chuyển ngũ cốc xuất khẩu. Mục tiêu của Kiev là để tàu thuyền quốc tế đến thẳng các cảng ở Danube và bốc hàng trực tiếp, trong khi Moscow cho biết họ sẽ coi các tàu hướng đến các cảng biển của Ukraine là mục tiêu quân sự tiềm tàng.