|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

UBS: Bất chấp đàm phán biến động, Mỹ - Trung vẫn có thể đi đến một thỏa thuận

08:24 | 23/09/2019
Chia sẻ
CNBC dẫn lời Chủ tịch UBS hôm 21/9 cho hay, các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh đôi khi khá biến động nhưng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn cơ hội giải quyết khác biệt trong dài hạn.
104562054-GettyImages-665833844

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tham gia một sự kiện ở Mar-a-Lago, Florida năm 2017. (Ảnh: AFP)

Nhà đầu tư đang theo dõi các phát triển xoay quanh đàm phán thương mại nhằm bắt tín hiệu xem cuộc chiến thuế quan sẽ đi đến đâu.

Hôm 20/9, phái đoàn đàm phán Trung Quốc đã bất ngờ hủy chuyến thăm nông trại Mỹ và bỏ về nước. Sau diễn biến này, chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng giảm nhẹ.

"Bạn không cần quá để tâm đến những diễn biến này vì quá trình đàm phán hay thay đổi thất thường và rất biến động", ông Axel Weber, Chủ tịch ngân hàng quản lí tài sản UBS, cho hay với CNBC tại một hội nghị ở Singapore.

"Thứ chúng tôi quan tâm là diễn biến lâu dài và mặc dù giữa hai bên hiện đang tồn tại một bất đồng lớn, tôi nghĩ vẫn còn tiềm năng cho một giải pháp. Và tiềm năng này nằm ở chính thực tế rằng thương mại song phương thực sự có lợi cho cả hai nước", ông nói thêm.

Bùng nổ từ hơn một năm trước, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm tổn hại đến niềm tin doanh nghiệp và thường được xem như một trong những rủi ro lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến sản lượng kinh tế toàn cầu sụt giảm 0,8% vào năm 2020 và có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn trong những năm tới.

Chủ tịch UBS cũng nhận định Mỹ - Trung có thể kí kết "một thỏa thuận giúp giải quyết một số vấn đề nhất định" và để lại các điểm vướng mắc khác cho vòng đàm phán tiếp theo.

Ngoài tác động đến tăng trưởng kinh tế, một số chuyên gia còn cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn có thể chia đôi thế giới công nghệ.

Tuy nhiên, ông Weber cho hay sự phân chia đã tồn tại ngay từ đầu, khi mà Trung Quốc phát triển những nền tảng công nghệ chẳng hạn như mạng xã hội WeChat và trang thương mại điện tử Alibaba, vốn tương đồng với Facebook và Amazon của Mỹ.

Chiến tranh thương mại dường như chỉ nhấn mạnh sự phân chia này và cũng là một tin xấu cho cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

"Rất ít người kì vọng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chuyển từ các dịch vụ này sang các nền tảng tương đương của Mỹ", ông nói. 

Yên Khê