Tân Hoa Xã: Mỹ - Trung đã có cuộc đàm phán mang tính xây dựng tại Washington
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng ý tiếp tục trao đổi về các vấn đề liên quan và thảo luận chi tiết về vòng đàm phán thương mại tiếp theo vào tháng 10, Tân Hoa Xã cho biết, nhưng không cung cấp các chi tiết khác.
Các quan chức Trung Quốc dự kiến sẽ đến thăm nông dân Mỹ vào tuần tới như một cử chỉ thiện chí, nhưng đã bất ngờ hủy bỏ để trở về Trung Quốc sớm hơn dự kiến ban đầu, các tổ chức nông nghiệp từ Montana và Nebraska cho biết.
Mỹ đã gỡ bỏ thuế quan cho hơn 400 sản phẩm của Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu từ các công ty Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp Mỹ đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận từ Reuters.
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn mô tả cho hai ngày đàm phán là hữu ích và một cuộc họp thương mại cấp cao ở Washington sẽ diễn ra vào tháng 10 như dự kiến trước đó.
Các chuyên gia thương mại, giám đốc điều hành và quan chức chính phủ của cả hai bên nói rằng ngay cả khi các cuộc đàm phán tháng 9 và tháng 10 tạo ra một thỏa thuận tạm thời, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã trở thành một cuộc chiến chính trị và hệ tư tưởng sâu sắc hơn nhiều so với thuế quan và có thể mất nhiều năm để giải quyết .
Phái đoàn Trung Quốc đã không đưa ra bất kì đề xuất mới nào về các vấn đề cấu trúc cốt lõi, gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bắt buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và các rào cản thương mại khác, một người nói tóm tắt về các cuộc đàm phán.
"Kết luận từ phía Mỹ là chúng tôi không gần với một thoả thuận", người này nói.
Nguồn tin này và một nguồn thạo tin khác cho biết lãnh đạo phái đoàn Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ trưởng Tài chính Liao Min, đưa ra yêu cầu của Bắc Kinh là bất kì thỏa thuận nào cũng phải xóa bỏ thuế quan Mỹ áp lên hàng hoá từ quốc gia châu Á và đảm bảo tính cân bằng để đó không phải là sự nhượng bộ từ Bắc Kinh hay từ Washington.
Ảnh: AFP/Getty Images.
Theo các nguồn tin, việc thiếu kết quả từ các cuộc họp cấp thứ trưởng không phải là hiếm vì họ thường không được phép thực hiện các thoả thuận hoặc đưa ra những đề nghị mới.
Cuộc họp đầu tháng 10 sẽ gồm các nhà đàm phán thương mại hàng đầu: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Cuộc họp này dự kiến sẽ xác định liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có bắt đầu vạch ra một con đường thoát khỏi cuộc chiến thương mại kéo dài 14 tháng hay hướng tới những mức thuế quan mới và cao hơn đối với hàng hóa khác của hai bên.
Chuyến thăm các vùng nông nghiệp của phái đoàn Trung Quốc, vốn được xem là khả năng dẫn đến việc tăng mua đậu nành và thịt heo Mỹ, bị huỷ bỏ khiến các chỉ số chứng khoán chính của phố Wall giảm khi sự lạc quan trước đó về các cuộc đàm phán phai nhạt.
Giá hợp đồng ngũ cốc và đậu nành giao sau trên Sàn giao dịch Chicago Mercantile cũng sụt giảm.
Trung Quốc là thị trường thịt heo và nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới.