UBCKNN: Thị trường có thể lên xuống, nhưng sẽ vẫn đảm bảo bền vững
Bloomberg: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong cơ hội mua vào | |
Lãnh đạo HOSE: Thị trường giảm do tâm lý nhà đầu tư, giá trị bán giải chấp chỉ 40 – 50 tỷ đồng |
Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. |
Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra một số nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm mạnh thời gian gần đây.
Có nhiều ý kiến cho rằng nhiều cổ phiếu đã có đợt tăng quá mạnh nên đây là giai đoạn điều chỉnh thị trường về giá trị thực. Ông nhận định như thế nào về nguyên nhân chuỗi giảm mạnh của thị trường vừa qua?
Sau khi tiếp tục tăng mạnh trong quý I/2018 và đạt mức cao nhất 1.204 điểm vào ngày 09/4/2018, thị trường chứng khoán bắt đầu xu hướng điều chỉnh giảm đáng kể, từ giữa tháng 5 đến nay thị trường có xu hướng điều chỉnh giảm mạnh hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá mạnh trong tháng 5, trong đó, có một số phiên bán ròng mạnh như phiên 21/5 (436 tỷ đồng), 22/5 (596 tỷ đồng), 25/5 (508 tỷ đồng). Tính đến ngày 25/5, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5.332 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Tuy nhiên dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng ở mức độ tương đối cao, đạt 615 triệu USD trong tháng 4 và 809 triệu USD trong tháng 5/2018, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng ở sự tăng trưởng của thị trường và sẵn sàng giải ngân ở thời điểm thích hợp.
Tôi nhận thấy việc thị trường giảm điểm mạnh thời gian gần đây có thể do một số nguyên nhân. Trước hết là từ tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới.
Do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có giảm song chưa xóa bỏ được lo ngại của giới đầu tư về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn có thể mắc vào một cuộc chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và khả năng Ngân hàng trung ương châu Âu cũng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến là nguyên nhân chính đẩy lợi tức trái phiếu của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 5 năm, chạm ngưỡng 3,06% vào ngày 22/5/2018. Việc tăng lãi suất làm chi phí vốn tăng (đặc biệt là chi phí vốn của các quỹ hoạt động bằng vay nợ USD) là nguyên nhân chính khiến các quỹ đầu tư dè dặt khi quyết định giải ngân tại các thị trường cận biên.
Cũng phải kể tới nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Trong tháng 5 (tính đến ngày 18/5) các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh trên các thị trường chứng khoán trong khu vực với tổng giá trị bán ròng là 4.050,8 triệu USD.
Cụ thể, Malaysia (- 625 triệu USD), Hàn Quốc (-853 triệu USD), Thái Lan (-703,4 triệu USD), Indonesia (-550 triệu USD), Phillipines (-105 triệu USD), Ấn Độ (-583 triệu USD), Đài Loan (-392 triệu USD).
Tại thị trường chứng khoán thế giới từ Mỹ, châu Âu, châu Á đều đã điều chỉnh giảm từ tháng 01/2018, mức giảm phổ biến từ 7 - 10%.
Đó là những tác động từ thế giới, còn về tình hình thị trường trong nước, chúng ta thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài.
VN-Index năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 17% trong quý I/2018 nên các nhà đầu tư đều có tâm lý chốt lời. Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm lãi suất tăng, thị trường chứng khoán thế giới điều chỉnh giảm nên tác động cộng hưởng càng lớn.
Trong quý I vừa qua, cung hàng hóa gia tăng mạnh. Do vậy lượng cầu thị trường cần có thời gian để hấp thụ.
Vậy ông đánh giá thế nào về triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam?
Như tôi đã nói ở trên, trong ngắn hạn, thị trường có thể vẫn chịu áp lực lớn từ diễn biến từ các vấn đề kinh tế, chính trị thế giới, nên nhiều khả năng thị trường vẫn còn có diễn biến tăng giảm đan xen khi tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng trong giải ngân. Tuy nhiên, với diễn biến hiện tại và phân tích các yếu tố vĩ mô, thị trường khó có khả năng giảm sâu hơn nữa.
Nhìn chung hiện tại giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 đều đã thấp hơn so với thời điểm đầu năm 2018. Chỉ số P/E chung của thị trường cũng đã về mức dưới 17 lần nên thị trường lại trở nên hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư sẽ đánh giá đây là cơ hội để đầu tư.
Về trung và dài hạn, chúng tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới, bởi các nguyên nhân sau: Kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt; thị trường tài chính – tiền tệ, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm; khối ngoại vẫn tiếp tục vào ròng, chưa có dấu hiệu rút vốn khỏi thị trường chứng khoán; tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định.
Ông có lời khuyên nào đến nhà đầu tư trong thời điểm này?
Như đã phân tích ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam đang nhận được sự hậu thuẫn lớn từ nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước.
Do vậy, nhà đầu tư nên bình tĩnh, đầu tư chứng khoán theo giá trị dài hạn. Thị trường có thể điều chỉnh lên xuống, nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo bền vững nhờ nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định và nền tảng sức khỏe của doanh nghiệp niêm yết tốt.
Xem thêm |