|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 7 – 11/6: Khối ngoại giảm rút ròng và trở lại mua 2 phiên cuối tuần, nhưng vẫn xả nghìn tỷ HPG và DXG

08:20 | 12/06/2021
Chia sẻ
Khối ngoại ghi nhận tuần bán ròng trên HOSE sụt giảm tới 87% giá trị so với tuần bán ròng lịch sử trước đó. Tuy nhiên hai cổ phiếu HPG và DXG vẫn chịu áp lực xả trên dưới 1.000 tỷ đồng mỗi mã.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 2 của tháng 6 với 2 phiên tăng điểm, trước đó thị trường đã có 3 phiên giảm điểm. Tuần qua, VN-Index mất đi 21,31 điểm tương đương 1,62%, đóng cửa ở mức 1.351,74 điểm. Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 26.408 tỷ đồng, giảm 0,13% so với tuần trước đó.

Trong tuần đảo chiều giảm, thị trường đón nhận dòng tiền tích cực từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Theo quan sát, hoạt động bán ròng diễn ra trên hai sàn HOSE và HNX, duy nhất tại UPCoM ghi nhận giá trị mua ròng. Mặc dù vẫn trong xu hướng rút tiền, đà bán ròng có suy yếu so với tuần lịch sử trước đó. Tổng giá trị rút ròng từ NĐT nước ngoài tuần này giảm xuống còn 540 tỷ đồng.

Đà bán ròng của khối ngoại sụt giảm 87%, tập trung xả HPG và DXG

Dữ liệu thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng 756 tỷ đồng trên sàn HOSE tuần này với khối lượng tương ứng 29,4 triệu đơn vị, trong đó giá trị bán ròng khớp lệnh 955 tỷ đồng. Riêng với cổ phiếu, giá trị bán ròng của khối ngoại vượt 1.000 tỷ đồng, số lượng là 39,4 triệu đơn vị.

Mức bán ròng của NĐT nước ngoài đã giảm mạnh 87% so với tuần bán ròng lịch sử trước đó (6.071 tỷ đồng). Điểm đáng chú ý là NĐT nước ngoài đã quay lại mua ròng hai phiên cuối tuần với mức mua ròng ngày càng tăng.

Tuần 7 – 11/6: Khối ngoại giảm rút ròng và trở lại mua 2 phiên cuối tuần, nhưng vẫn xả nghìn tỷ HPG và DXG - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần nhóm tài nguyên cơ bản và bất động sản. Đáng chú ý, riêng cổ phiếu HPG đã bị bán ròng 1.156 tỷ đồng trong tuần.

Tính từ đầu năm, NĐT nước ngoài đã bán tổng cộng 11.787 tỷ đồng mã HPG, chiếm hơn 1/3 tổng mức bán ròng của khối ngoại. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở HPG giảm đều từ năm 2017 đến nay, giảm từ 41,21% năm 2017 về còn 26,52% tính đến ngày 11/6/2021.

Cổ phiếu thu hút sự quan tâm của NĐT những phiên gần đây là DXG của Tập đoàn Đất Xanh. Mã này bị khối ngoại bán ròng 968 tỷ đồng. Trong tháng 5 trước đó, cổ phiếu DXG bị nhóm Dragon Capital bán ra, do đó không loại trừ khả năng nhóm này vẫn tiếp tục bán.

Hoạt động rút ròng của NĐT nước ngoài còn ghi nhận tại nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn khác như VIC, GEX, VPB, NVL, DCM, CII, DGW và BVH.

Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng ngành ngân hàng, dầu khí, dịch vụ tài chính.

Ghi nhận các mã thuộc ngành ngân hàng được NĐT nước ngoài gom mạnh xuất hiện cái tên mới là OCB với mức mua ròng 231 tỷ đồng, ngoài ra còn có CTG (155 tỷ đồng), HDB (107 tỷ đồng), STB (107 tỷ đồng).

Tại ngành dầu khí, Petrolimex bán 25 triệu cổ phiếu quỹ và được khối ngoại mua liên tục. Riêng tuần này cổ phiếu PLX ghi nhận giá trị mua ròng 357 tỷ đồng, cao nhất sàn HOSE.

Nhóm dịch vụ tài chính,  mã SSI dẫn đầu tổng lượng mua ròng trong tuần là 195 tỷ. Tỷ lệ sở hữu của nhóm nước ngoài tăng từ 46,64% năm 2020 lên 47,21% tính đến ngày 11/6/2021.

Trong nhóm cổ phiếu "họ Vingroup", nước ngoài mua ròng mạnh VRE (353 tỷ đồng), VHM (211 tỷ đồng) trong khi bán ròng VIC (464 tỷ đồng). Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, NĐT nước ngoài vẫn đang mua ròng 535 tỷ đồng mã VIC.

NĐT ngoại xả trăm tỷ đồng mã VND sau thông tin phát hành 215 triệu cp

Diễn biến tương tự trên HOSE, sàn HNX cũng ghi nhận giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần đạt 121 tỷ đồng. Cụ thể, NĐT nước ngoài bán ra 358 tỷ đồng nhưng mua vào 237 tỷ đồng trên HNX tuần này.

Tuần 7 – 11/6: Khối ngoại giảm rút ròng và trở lại mua 2 phiên cuối tuần, nhưng vẫn xả nghìn tỷ HPG và DXG - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại là VND của VNDirect (150 tỷ đồng). Đây mã duy nhất ghi nhận giá trị giao dịch trăm tỷ trên HNX tuần này.

Cuối tuần trước, Chứng khoán VNDirect đã ra thông báo ngày đăng ký cuối cùng (11/6) để nhận quyền mua 214,5 triệu cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến nâng lên gần 4.350 tỷ đồng.

Giá phát hành là 14.500 đồng/cp, theo đó ước tính số tiền mà Chứng khoán VNDirect thu về từ đợt phát hành là hơn 3.100 tỷ đồng.

Dòng tiền ngoại còn rút ra nhẹ tại các cổ phiếu như SHB, GLT, BVS, CDN, THD, NTP.

Trong khi đó, dòng tiền NĐT nước ngoài tìm đến mã PVI, giá trị mua ròng đạt 31 tỷ đồng. Liên quan đến cổ phiếu này, HDI Global SE - cổ đông lớn của CTCP PVI vừa đăng ký bán 13,8 triệu cổ phiếu PVI trong thời gian 10/6 - 9/7, theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.

Hiện tại, HDI Global SE đang nắm giữ 99.179.321 cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ sở hữu là 44,37%. Như vậy, sau khi bán thành công, số lượng cổ phiếu PVI mà công ty ngoại này nắm giữ sẽ giảm xuống còn 85,3 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại mua ròng duy nhất trên UPCoM, tập trung gom VTP và VEA

Giao dịch trên thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua vào 341 tỷ đồng nhưng bán ra 160 tỷ đồng. Theo đó, duy nhất UPCoM ghi nhận giá trị mua ròng cả tuần là 181 tỷ đồng.

Tuần 7 – 11/6: Khối ngoại giảm rút ròng và trở lại mua 2 phiên cuối tuần, nhưng vẫn xả nghìn tỷ HPG và DXG - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Viettel Post mới đây có thông báo ngày 21/6 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu. Trước đó, Viettel Post đã có nghị quyết chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu tổng tỷ lệ 39,7%.

Trước thông tin trên, khối ngoại liên tục rót vốn cho cổ phiếu VTP tuần qua, đẩy mã này dẫn đầu phía mua ròng trên UPCoM với giá trị 79 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu VEA của VEAM cũng ghi nhận giá trị mua ròng đáng kể (62 tỷ đồng). Doanh nghiệp này gần đây cũng thông tin dự kiến trả cổ tức bằng tiền năm 2020 cho cổ đông, tương ứng với mức chi hơn 6.631 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 49,9% (4.990 đồng/cp).

Theo thống kê, dòng tiền ngoại còn tìm đến các cổ phiếu như CTR, ACV, BSR, ABI, MML. Tại chiều bán ra, CSI và OIL dẫn đầu về giá trị rút ròng, đạt dưới 20 tỷ đồng.

Thu Thảo