|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Không còn mua bằng mọi giá, cá nhân trong nước giao dịch thận trọng hơn, dịch chuyển dòng tiền sang cổ phiếu bất động sản

06:43 | 11/06/2021
Chia sẻ
Sau phiên hồi phục kỹ thuật, VN-Index tiếp tục xu hướng điều chỉnh trở lại trong phiên 10/6. Dưới áp lực chốt lời mạnh của thị trường, lực cầu từ NĐT cá nhân trở nên thận trọng hơn. Giá trị mua ròng nhóm này đạt giá trị 18 tỷ đồng, với dòng tiền tập trung vào nhóm bất động sản và ngân hàng.

NĐT cá nhân mua ròng 18 tỷ đồng trong phiên điều chỉnh

Sau phiên hồi phục kỹ thuật, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm dưới áp lực chốt lời từ thị trường. Kết phiên ngày 10/6, VN-Index giảm 9,32 điểm (tương ứng 0,7%) về mốc 1.323,58 điểm. HNX-Index giảm 1,75% xuống còn 311,32 điểm, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,09% về mốc 87,17 điểm.

Trong phiên sáng, có thời điểm thị trường ghi nhận dấu hiệu hồi phục nhẹ. VN-Index lấy lại  0,65 điểm tương ứng 0,05%, tăng lên 1.333,55 điểm. Tuy nhiên, lực kéo nhanh chóng "thất thủ" trước áp lực chốt lời. Theo ghi nhận, cổ phiếu dầu khí, bất động sản và ngân hàng là nhóm có biên độ giảm mạnh nhất thị trường.

Phiên 10/6: Lực cầu thận trọng trong phiên VN-Index điều chỉnh, NĐT cá nhân mua ròng 18 tỷ đồng - Ảnh 1.

Mua bán ròng khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư 20 phiên gần nhất. (Nguồn: Fiinpro).

Giữa áp lực chốt lời của thị trường chung, khối ngoại quay đầu mua vào sau 6 tháng bán ròng, trở thành lực kéo của thị trường. Cụ thể, khối này mua ròng 213 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào giỏ chỉ số ETFs.

NĐT khối nội cũng có tín hiệu giao dịch tích cực trong phiên 10/6. Các tổ chức trong nước mua ròng 160 tỷ đồng, trong khi NĐT cá nhân thận trọng hơn khi mua ròng 18 tỷ đồng. Sau những phiên biến động mạnh của thị trường, NĐT cá nhân trong nước không còn mua ròng mạnh mẽ như trước, thay vào đó là tâm lý giằng co, theo dõi sát những biến động thị trường trong giai đoạn tới.

Nhóm bất động sản là tâm điểm giao dịch của cá nhân trong nước

Phiên 10/6: Lực cầu thận trọng trong phiên VN-Index điều chỉnh, NĐT cá nhân mua ròng 18 tỷ đồng - Ảnh 2.

Thống kê giao dịch khớp lệnh của NĐT cá nhân trong nước phiên 10/6 theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Đánh giá theo nhóm ngành, dòng tiền NĐT cá nhân tiếp tục tập trung mạnh vào cổ phiếu bất động sản. Mặc dù nằm trong nhóm cổ phiếu giảm mạnh, NĐT vẫn kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu nhóm này. Giá trị mua ròng khớp lệnh nhóm bất động sản này đạt 359,5 tỷ đồng, chiếm phần lớn giá trị mua trong phiên và tăng 330% so với phiên đầu tuần (7/6). Đây cũng là nhóm duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên 100 tỷ đồng từ các cá nhân trong nước.

Lực mua cũng quay trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng với giá trị vào ròng 65,3 tỷ đồng. Sau vài phiên biến động mạnh, nhóm này tiếp tục thu hút dòng tiền trở lại. So sánh ghi nhận tại ngày 7/6, giá trị mua ròng nhóm ngân hàng đã tăng gần 45%.

Ở chiều ngược lại, áp lực bán hầu như dồn vào hai ngành tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính (chứng khoán). Giá trị rút ròng ở hai nhóm cổ phiếu này theo sát nhau, lần lượt là 195,1 tỷ đồng và 205,9 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, dòng tiền của các cá nhân trong nước đảo chiều chốt lời mạnh ở nhóm tài nguyên cơ bản chỉ trong vài phiên giao dịch, trong khi đây là nhóm hấp dẫn sức mua mạnh nhất trong phiên đầu tuần.

Tâm điểm mua ròng DXG, NVL và VIC, đảo chiều bán ròng HPG

Phiên 10/6: Lực cầu thận trọng trong phiên VN-Index điều chỉnh, NĐT cá nhân mua ròng 18 tỷ đồng - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất phiên 10/6. Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Thống kê giao dịch từng cổ phiếu, hai mã DXG của Đất Xanh và NVL của Novaland dẫn đầu về giá trị mua ròng từ NĐT trong nước với lần lượt 152 tỷ đồng và 126 tỷ đồng. Đây là hai cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng hơn 100 tỷ đồng. Theo sát sau đó là VIC của Vingroup với 97,8 tỷ đồng mua ròng trong phiên 10/6.

Sau giai đoạn mua gom, NĐT cá nhân thẳng tay "xả" cổ phiếu HPG của Hòa Phát với hơn 204,2 tỷ bán ròng tập trung ở mã này. Đây là động thái chốt lời khi giá thị trường cổ phiếu HPG đã tăng liên tục từ cuối năm 2020.

Ở nhóm ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến đà giảm điểm thị trường, hoạt động bán ròng diễn ra chủ yếu ở các mã VCB (98,2 tỷ đông), OCB (27,1 tỷ đồng), và CTG (23,6 tỷ đồng). Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lại là những đại diện thu hút dòng vốn cá nhân. Theo ghi nhận, lực mua dàn trải đều ở các mã ACB (50,2 tỷ đồng), TCB (42,4 tỷ đồng), VPB (41,4 tỷ đồng) và STB (38,4 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, lực bán từ NĐT cá nhân cũng được khuếch đại ở nhóm dịch vụ tài chính, nổi bật là 2 đại diện lớn gồm SSI (95,2 tỷ đồng) và HCM (41,6 tỷ đồng).

Thảo Bùi

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phần lớn đều ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm trước.