|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 10/6: NĐT cá nhân gom 800 tỷ đồng phiên hồi phục, tiền chuyển hướng từ nhóm ngân hàng sang BĐS

08:02 | 10/06/2021
Chia sẻ
Trong phiên thị trường hồi phục trở lại, NĐT cá nhân tiếp tục là bên chiếm tỷ trọng giao dịch cao và mua ròng mạnh (gần 800 tỷ đồng). Ngược lại, khối tự doanh và NĐT nước ngoài là bên bán ròng. Dòng tiền vào nhóm ngân hàng suy yếu trong khi giá trị giao dịch nhóm dịch vụ tài chính và bất động sản tăng mạnh.

Dòng tiền vào nhóm ngân hàng sụt giảm, dòng vốn vào các quỹ dương trở lại đầu tháng 6

Sau hai phiên giảm mạnh, VN-Index tăng trở lại trong phiên hôm qua với tỷ lệ tăng 0,99%, đóng cửa ở mức 1.332,9 điểm. Độ rộng thị trường cải thiện so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng-giảm là 222-170.

Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 25.329 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 30.701 tỷ đồng, giảm 18,4% so với phiên liền trước.

Dòng tiền vào nhóm tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính và bất động sản tăng mạnh trên HOSE. Cụ thể, giá trị giao dịch của ba nhóm trên tăng so với trung bình 5 phiên trước đó lần lượt là 1,77%, 0,9% và 1,1% cho dù giá trị giao dịch toàn thị trường sụt giảm 18,4%. Ngược lại, dòng tiền vào nhóm ngân hàng đã thận trọng trở lại, giảm 1,65%, cho dù giá vẫn tăng 2,55%.

Dòng tiền của các quỹ sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 5 thì đã dương trở lại trong tháng 6. Tuy nhiên dòng tiền vẫn đang trong xu hướng giảm kể từ tháng 12/2020. Số liệu 12 quỹ ETFs từ FiinPro cho thấy các quỹ này đã hút ròng được 24 tỷ đồng trong những phiên đầu tháng 6 sau khi bị rút ròng mạnh 1.240 tỷ đồng trong cả tháng 5 trước đó.

NĐT cá nhân "mạnh tay" rót vốn cho cổ phiếu HPG, DXG và NVL

Trong các bên tham gia thị trường, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân trong nước là bên quyết định "cuộc chơi", chiếm tỷ trọng giao dịch cao và mua ròng mạnh. Theo đó, NĐT cá nhân chuyển mua ròng 797 tỷ đồng, trong đó mua ròng khớp lệnh là 787 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng 10/18 ngành, nổi bật có tài nguyên cơ bản, bất động sản. Ngược lại họ bán ròng 8/18 ngành trong đó có ngân hàng, dịch vụ tài chính.

Dòng tiền thông minh 10/6: NĐT cá nhân gom 800 tỷ đồng phiên hồi phục, dòng vốn chuyển hướng từ nhóm ngân hàng sang BĐS - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Đáng chú ý vẫn là cổ phiếu HPG với giá trị mua ròng cao nhất đạt 490 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NĐT cá nhân còn gom mạnh hai mã bất động sản là DXG (405 tỷ đồng) và NVL (137 tỷ đồng). Ngoài ra, một số cổ phiếu cùng chiều mua ròng trong phiên như VPB, PLX, GEX, KBC…

Trong khi đó, NĐT cá nhân bán ròng chủ yếu các mã ngân hàng như VCB, OCB, CTG HDB…, mặt khác còn có VHM, SSI, IJC…

Từ đầu năm đến nay, bất chấp nước ngoài bán ròng liên tiếp, NĐT cá nhân trong nước là bên mua đối ứng và hấp thụ lực bán ra này. Nhóm này đã mua ròng 41.071 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) và giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng áp đảo 83,53% tổng giao dịch trên sàn HOSE, trong khi các tổ chức nước ngoài chỉ chiếm 9,1% và tổ chức trong nước chiếm 7,04%.

Dòng tiền thông minh 10/6: NĐT cá nhân gom 800 tỷ đồng phiên hồi phục, dòng vốn chuyển hướng từ nhóm ngân hàng sang BĐS - Ảnh 2.

Tỷ trọng giá trị giao dịch của các nhóm nhà đầu tư trên HOSE từ đầu năm đến nay. (Nguồn FiinPro).

Khối tự doanh đảo chiều bán ròng hơn 240 tỷ đồng, tập trung nhóm ngân hàng

Về phía khối tự doanh công ty chứng khoán, hoạt động bán ròng áp đảo trong phiên với giá trị 244 tỷ đồng, trong đó bán ròng 199 tỷ qua khớp lệnh.

Top bán ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm STB, VPB, KBC, TCB, VNM, HPG, MBB, VHM, MWG, VRE, VIC. Ngược lại, họ mua ròng IJC, DXG, GAS, SSI, FPT, NKG, PVD, DGC, ACB, TDC.

Điểm đáng chú ý, khối tự doanh đã bán phần lớn lượng hàng mua ròng phiên ngày hôm qua, top bán ròng ngày hôm qua (9/6) tương đối đối ứng với top mua ròng của nhóm này phiên trước đó (8/6).

Dòng tiền thông minh 10/6: NĐT cá nhân gom 800 tỷ đồng phiên hồi phục, dòng vốn chuyển hướng từ nhóm ngân hàng sang BĐS - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Cùng chiều tự doanh, khối ngoại xả gần 660 tỷ đồng

NĐT nước ngoài bán ròng 658 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 684 tỷ đồng.

Hoạt động bán ròng của nước ngoài tập trung vào ngành tài nguyên cơ bản, bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của khối ngoại gồm các mã HPG, DXG, NVL, VIC, GEX, CII, VCI, DGW, VJC, VPB.

Phía mua ròng khớp lệnh, NĐT nước ngoài mua ròng mạnh nhất Ngân hàng. Top mua ròng theo thứ tự các mã VHM, CTG, OCB, STB, HDB, VRE, MBB, VCB, SSI, MSN.

Trong vòng 12 tháng gần đây, NĐT nước ngoài liên tục bán ròng và chỉ mua ròng có 2 tháng với giá trị mua ròng khá thấp. Đà bán ròng của khối ngoại tập trung vào tháng 3 và tháng 5.

Theo ngành, nhóm cổ phiếu NĐT nước ngoài bán ròng nhiều nhất là ngân hàng (CTG, VPB, VCB, MBB, BID). Cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh nhất lại là HPG (11.878 tỷ đồng), chiếm hơn 1/3 tổng giá trị bán ròng của nước ngoài từ đầu năm đến nay.

Thu Thảo

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.