|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 3 – 7/4: NĐT cá nhân đẩy mạnh mua ròng 675 tỷ đồng, hơn nửa giá trị tập trung vào một cổ phiếu xây dựng

15:44 | 09/04/2023
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch vừa qua, NĐT cá nhân mua ròng 675 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 712 tỷ đồng.

Đà tăng của VN-Index đã dần chững lại trong tuần vừa qua và chịu áp lực điều chỉnh vào hai phiên cuối tuần cho thấy tâm lý thận trọng đã quay trở lại. Vào phiên cuối tuần, tuy tốc độ giao dịch cũng như thanh khoản toàn thị trường vẫn được duy trì ở mức trung bình 10 phiên nhưng việc chỉ số chung liên tục mất điểm cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn chưa dừng lại.

Về diễn biến cụ thể, VN-Index mở cửa tuần trong sắc xanh với phiên tăng điểm mạnh mẽ ở hầu hết các nhóm ngành. Tuy nhiên, việc thanh khoản liên tục gia tăng vào các phiên sau đó nhưng không có cải thiện đáng kể về mặt chỉ số cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn đã xuất hiện vào 2 phiên cuối tuần khiến VN-Index giảm về dưới khu vực 1.070.

Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 5,07 điểm, tương đương tăng 0,48% so với tuần trước. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 13.431 tỷ đồng, tăng 29% so với tuần trước.

Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước và tự doanh trở lại mua ròng. Trong khi đó, cá nhân có tuần mua ròng thứ ba liên tục. Ngược lại, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 747 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

NĐT cá nhân đẩy mạnh mua ròng 675 tỷ đồng, hơn nửa giá trị tập trung tại một cổ phiếu xây dựng

Trong tuần 3 – 7/4, NĐT cá nhân mua ròng 675 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 712 tỷ đồng.

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chiếm ưu thế khi diễn ra tại 11/18 nhóm ngành. Cổ phiếu xây dựng & vật liệu được mua ròng 338 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm thực phẩm & đồ uống (305 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (169 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (157 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (130 tỷ đồng), …

Giao dịch bên bán tập trung ở nhóm bất động sản và tài nguyên cơ bản với quy mô lần lượt là 410 tỷ đồng và 118 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, truyền thông, y tế với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, VCG là mã duy nhất ghi nhận giá trị giao dịch ròng trên 300 tỷ đồng, chiếm tới hơn một nửa giá trị vào ròng của dòng tiền cá nhân. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của tổ chức trong nước.

Lực mua các cá nhân cũng tìm đến STB của Sacombank với giá trị 246,9 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện khác của nhóm ngân hàng như VIB (81 tỷ đồng), VCB (72 tỷ đồng), BID (71 tỷ đồng), …

Danh mục giải ngân còn có sự góp mặt của các cổ phiếu thực phẩm, bán lẻ, bất động sản, dầu khí như PNJ (165 tỷ đồng), NVL (154 tỷ đồng), VNM (139 tỷ đồng), MSN (110 tỷ đồng), GAS (75 tỷ đồng), …

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở TCB với 183 tỷ đồng. Đây có thể là động thái chốt lời ngắn hạn cổ phiếu Techcombank trong bối cảnh mã này giữ giá khá tốt bất chấp nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường. TCB có nhịp tăng 4,2% lên 29.550 đồng/cp và là quán quân ảnh hưởng tích cực lên đà tăng của VN-Index trong tuần qua.

Kế tiếp, cá nhân trong nước cũng bán ròng trên trăm tỷ đồng các mã HPG, VIC, VPB, KBC. Cùng chiều, các cá nhân rút ròng khỏi một số đại diện như KBC, NLG, VRE, VHM, MBB, HDB với quy mô 67 – 98 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước đảo chiều mua ròng, tập trung gom cổ phiếu ngân hàng

Giao dịch cùng chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội quay đầu mua ròng 106 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ gom ròng nhẹ 19 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 10/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm xây dựng & vật liệu với 422 tỷ đồng. Theo sau, danh mục rút ròng được chứng kiến ở các cổ phiếu hóa chất (90 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (68 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước tìm đến các nhóm ngành vốn hóa lớn như bất động sản (277 tỷ đồng), ngân hàng (248 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (172 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước, cổ phiếu STB của Sacombank ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 166 tỷ đồng.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu tài chính, ngân hàng và bất động sản như TCB (163,2 tỷ đồng), SSI (103,2 tỷ đồng), KBC (99,9 tỷ đồng), VHM (86,2 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu VCG của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 402,6 tỷ đồng.

Nhiều khả năng đây là giao dịch của Đầu tư Pacific Holdings, do đơn vị này vừa đăng ký bán 19,6 triệu cổ phiếu VCG để phục vụ mục đích cơ cấu lại khoản đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian 31/3 – 28/4, theo phương thức khớp lệnh trên sàn và thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phiếu VCG mà Pacific Holdings nắm giữ sẽ giảm từ 292,6 triệu đơn vị (tỷ lệ 60,23% vốn điều lệ) xuống còn 273 triệu đơn vị (tỷ lệ 56,19%).

Bên cạnh đó, cổ phiếu NVL của Novaland cũng bị bán ròng 167,4 tỷ đồng khi mã này có nhịp tăng 5,5% lên 13.400 đồng/cp.

Mặc dù giải ngân vào nhiều cổ phiếu ngân hàng, hai mã VIB và VPB tiếp tục nằm trong danh mục rút vốn với giá trị 76,8 tỷ đồng và 66,6 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thu Thảo