TPS: Quỹ ETF lớn nhất thị trường còn dư địa giải ngân hàng nghìn tỷ đồng vào chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới
Báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 4 của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) chỉ ra sự lây lan khủng hoảng hệ thống ngân hàng bắt nguồn từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank cùng với việc Ngân hàng First Republic và Credit Suisse bên bờ của sự sụp đổ đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh trong nửa đầu tháng 3/2023.
Tuy nhiên, với nỗ lực hỗ trợ thanh khoản kịp thời từ Fed tới Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ, rủi ro thanh khoản trên hệ thống ngân hàng đã tạm thời giảm bớt. Bên cạnh đó, việc các Ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất theo đúng kịch bản đã đề ra (FED +25 bps, ECB +50 bps) đã gửi đi thông điệp rằng thanh khoản hệ thống vẫn trong tầm kiểm soát.
Với những động thái ổn định hệ thống này, thị trường chứng khoán toàn cầu đã nhanh chóng bùng nổ trở lại đầy mạnh mẽ. Trong nước, tháng 3 chứng kiến một loạt các quy định hành chính được ban hành (Nghị định 08, Nghị quyết 33, dự thảo Thông tư 16 sửa đổi) nhằm tháo gỡ nút thắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng mạnh mẽ đưa ra quyết định giảm lãi suất 2 lần trong vòng một tháng và là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ, qua đó phản ánh nỗ lực giúp thị trường tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau kết quả quý I/2023 kém khá quan.
Theo đó, VN Index kết tháng tại mức 1,064.6 điểm, tăng 3,9% so với nhiều nước phát triển như: KOSPI (+2,7%), NI225 (2,2%), DJI (+1,9%)…
Một trong những điểm nhấn của thị trường tháng 3 là việc dòng tiền ETF đã có sự hồi phục tích cực nhờ vào 2 cú hích: (1) Quỹ Fubon FTSE đã giải ngân trở lại sau khi phương án tăng vốn lần 5 được thông qua và (2) các quỹ ETF ngoại tới kỳ cơ cấu lại danh mục.
Trong tháng qua, các quỹ ETF ngoại đã giải ngân hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, Fubon dẫn đầu khi mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng, iShares mua vào 425 tỷ đồng, KIM KINDEX mua khoảng 142 tỷ đồng… Trong khi đó, các quỹ ETF nội ghi nhận tình trạng dòng tiền âm với SSIAM và DCVFMVN30 ghi nhận tình trạng rút ròng mạnh nhất lần lượt hơn 120 tỷ đồng và gần 90 tỷ đồng.
Trong tháng 4, động lực phục hồi của dòng vốn ETF là vẫn còn khi quỹ lớn nhất thị trường là Fubon vẫn còn dư địa giải ngân hơn 3 tỷ TWD, xấp xỉ 2.300 tỷ đồng sẽ được đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.