|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TGĐ Chứng khoán Nhất Việt (VFS): Giảm kế hoạch tăng vốn do tiềm lực tài chính một số đối tác không còn dồi dào

18:28 | 08/04/2023
Chia sẻ
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Chứng khoán Nhất Việt, một số đối tác từng đàm phán không tham gia đợt phát hành riêng lẻ của công ty do tiềm lực tài chính không còn dồi dào và đang phải tập trung vào hoạt động kinh doanh đang rất khó khăn. Do đó, phương án phát hành cổ phần riêng lẻ giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm ngoái.

Ông Trần Anh Thắng, Tổng Giám đốc Chứng khoán Nhất Việt (VFS) (ngoài cùng bên trái) trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Ảnh: Lợi Hoàng.

Chứng khoán Nhất Việt bán hết EVF và TSJ trong quý I, không còn nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp

Sáng nay (8/4), Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (Mã: VFS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Kế hoạch kinh doanh năm nay, Nhất Việt đặt chỉ tiêu doanh thu hơn 230 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 100 tỷ đồng, tăng lần lượt 35% và 27% so với năm ngoái.

Theo ông Trần Anh Thắng, Tổng Giám đốc của Nhất Việt, thị trường năm nay có các rủi ro tiềm ẩn như căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, thanh khoản hệ thống vẫn là chủ đề nóng hổi, áp lực trái phiếu đè nặng lên các doanh nghiệp.

Định hướng kế hoạch kinh doanh năm 2023, Chứng khoán Nhất Việt tập trung phát triển mảng môi giới, tư vấn đầu tư.

“Trong bối cảnh thị trường chứng khoán được kỳ vọng diễn biến bớt tiêu cực hơn trong năm 2022, việc tìm kiếm và nắm bắt cơ hội đầu tư tự doanh cho công ty sẽ là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm nay”, báo cáo ban lãnh đạo công ty nêu.

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến hoạt động tự doanh, ông Thắng cho biết công ty đã tiến hành thoái toàn bộ khoản đầu tư vào cổ phiếu EVF và TSJ để bảo toàn vốn trong quý đầu năm.

Với trái phiếu doanh nghiệp, công ty thu hồi khoản đầu tư vào trái phiếu do hai đơn vị phát hành là Công ty TNHH Marcus (125 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần ABG Hà Nội (125 tỷ đồng). ABG Hà Nội có cổ đông lớn là CTCP Amber Capital (sở hữu 36%). CTCP Amber Capital hiện sở hữu 9,9% vốn của CTCP Quản lý quỹ Amber.

Trên website của CTCP Amber Capital Holdings, đơn vị này giới thiệu về hai công ty trong hoạt động đầu tư tài chính của họ là Chứng khoán Nhất Việt và CTCP Quản lý quỹ Amber. Amber Capital Holdings không sở hữu vốn tạiCTCP Quản lý quỹ Amber, còn tỷ lệ sở hữu tại Chứng khoán Nhất Việt sở hữu là 10,97%.

Mối liên hệ của ba tổ chức này là ông Trần Anh Thắng. Ông Thắng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị củaAmber Capital Holdings, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Nhất Việt (sở hữu 10,73%). Tháng 11/2021, ông Trần Anh Thắng đã từ nhiệm thành viên HĐQT Quản lý quỹ Amber nhưng đang sở hữu 10,9% vốn.

Giảm kế hoạch tăng vốn do tiềm lực tài chính của một số đối tác không còn dồi dào

Tại đại hội cổ đông năm nay của Chứng khoán Nhất Việt, cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ tăng vốn từ 802,5 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng trong đó đợt 1 tăng từ 802,5 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ và đợt 2 từ 1.200 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng sau đợt phát hành riêng lẻ.

Về mục đích sử dụng vốn phát hành, 397,5 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ sẽ được bổ sung cho hoạt động tự doanh (200 tỷ đồng) và cho vay ký quỹ (197,5 tỷ đồng). Trong đợt tăng vốn thứ hai, công ty dùng 600 tỷ đồng để bổ sung vốn tự doanh và 600 tỷ đồng cho vay margin.

Theo kế hoạch, đợt phát hành riêng lẻ dự kiến triển khai trong quý II – III/2023, sau đó công ty sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng trong quý III/2023 – I/2024.

Nếu so với mức được thông qua năm trước, kế hoạch tăng vốn trong năm 2023 của Nhất Việt đã giảm đi. Năm 2022, đại hội công ty thông qua phương án tăng vốn lên 3.006 tỷ đồng cũng dựa trên phương án chào bán riêng lẻ và phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1.

Cuối tháng 8/2022, Hội đồng Quản trị của Nhất Việt có nghị quyết triển khai phương án phát hành cổ phiếu trên và thông qua hồ sơ đăng ký phát hành. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Chứng khoán Nhất Việt, công ty chưa thể tăng vốn trong năm ngoái do chưa được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Vì vậy, vốn điều lệ vẫn giữ nguyên ở mức 802,5 tỷ đồng.

Giải thích rõ hơn về mức giảm trong kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng xuống còn 2.400 tỷ đồng, ông Trần Anh Thắng cho biết tiềm lực tài chính của một số cổ đông tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ không còn mạnh mẽ, dồi dào như năm 2022.

“Tiềm lực tài chính của họ cũng đang phải tập trung cho những hoạt động kinh doanh đang rất khó khăn của các đơn vị đấy, cá nhân đấy. Vì vậy họ cũng đã có câu trả lời cho chúng tôi là không tham gia với Nhất Việt nữa và chỉ còn một vài đối tác tiếp tục muốn gắn bó với Nhất Việtcam kết nếu trong trường hợp CTCP Chứng khoán Nhất Việt phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thì các cổ đông đó vẫn tham gia”, ông Trần Anh Thắng nói về thực trạng tài chính của một số cổ đông tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ của công ty.

Hệ quả khi năng lực tài chính của các đối tác suy yếu đi, phương án phát hành cổ phần riêng lẻ của Nhất Việt giảm khoảng 1.000 tỷ đồng từ 1.400 tỷ đồng xuống còn 400 tỷ đồng.

Nói thêm về phương án tăng vốn, CEO Chứng khoán Nhất Việt cho biết công ty thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ trong năm nay, nhưng phương án nào được chấp thuận trước sẽ thực hiện trước.

Bên cạnh kế hoạch tăng vốn, Chứng khoán Nhất Việt sẽ chuyển đăng ký giao dịch UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Kế hoạch chuyển niêm yết của Nhất Việt được thông qua tại đại hội cổ đông năm ngoái nhưng chưa thành công. Ngay sau đại hội, công ty nộp hồ sơ niêm yết HOSE ngày 15/4/2022. Tháng 12/2022, công ty rút hồ sơ niêm yết HOSE do đánh giá thị trường diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi.

Lợi Hoàng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.