Nở rộ mời chào đầu tư ăn theo VinFast niêm yết Mỹ, NĐT cần lưu ý điều gì để tránh bị lừa đảo mất tiền?
Tối ngày 15/8, CEO VinFast toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thủy đã thực hiện nghi thức rung chuông, đưa nhà sản xuất xe điện của Việt Nam chính thức trở thành công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Buổi lễ long trọng của VinFast được phát trực tiếp trên nhiều nền tảng trong đó luồng livestream trực tiếp từ trang web của sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq.
Một công ty Việt Nam xuất hiện trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ không chỉ là cột mốc quan trọng với VinFast mà đó còn là sự kiện lớn đối với dư luận trong nước. Theo ghi nhận, phiên livestream trên website của Nasdaq đạt đỉnh người xem vào khoảng 8.000 và phần khung trò chuyện hầu hết là người dùng Việt Nam. Tuy vậy, giữa hàng nghìn bình luận gửi lời chúc mừng, yêu thương tới VinFast, xuất hiện một đội ngũ liên tục spam bình luận, mời chào mua cổ phiếu VinFast (mã Nasdaq: VFS).
Đây là môi giới chứng khoán quốc tế - một hiện tượng cần phải cảnh giác.
“Nhà đầu tư khi tham gia đầu tư các chứng khoán quốc tế trên các sàn giao dịch không phải do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành cần hết sức thận trọng, nhất là đối với những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch, cảnh giác khi nhận được các lời mời đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hay phái sinh quốc tế.”
Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VinFast đạt khối lượng giao dịch gần 6,8 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 37,06 USD/cp. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu VinFast phiên đầu tiên đạt khoảng 200 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng), gần bằng ¼ quy mô thanh khoản trên Sở Giao dịch TP HCM (HOSE).
Trong phiên đầu tiên, giá trị vốn hóa của VinFast đạt hơn 85 tỷ USD, vượt giá trị của nhiều tên tuổi trong ngành ô tô như Ford Motor, Mercedes - Benz, BMW... Mức vốn hóa hơn 85 tỷ USD cũng tiến sát giá trị 96,5 tỷ USD của hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc là BYD.
Việc một công ty Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã giúp cổ phiếu của VinFast sở hữu sức thanh khoản cao trong phiên giao dịch đầu tiên. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch với cơ chế T+0, tức nhà đầu tư có thể mua bán ngay trong phiên.
Chưa có cách giao dịch cổ phiếu VinFast thông qua trung gian
Sức nóng đó thổi thêm làn sóng phân tích, thảo luận trong nước về mã cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam trên đất Mỹ - điều cần phải lưu ý đối với các nhà đầu tư cá nhân trong nước là cổ phiếu VinFast đang được giao dịch ở nước ngoài.
Về nguyên tắc, nhà đầu tư có thể mở tài khoản chứng khoán để giao dịch trực tiếp trên sàn Nasdaq nhưng với các hình thức gián tiếp, thông qua môi giới hoặc sàn giao dịch trung gian thì lại là câu chuyện khác. Cần lưu ý, hình thức đầu tư chứng khoán quốc tế chưa được cấp phép ở Việt Nam. Do đó, hình thức đầu tư này chứa đựng rất rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Những năm trở lại đây, việc chào mời đầu tư chứng khoán quốc tế đã trở nên biến tướng và chứa đựng nhiều rủi ro lừa đảo. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã từng khuyến cáo nhà đầu tư lưu ý khi tham gia đầu tư các chứng khoán quốc tế trên các sàn giao dịch không phải do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành.
Theo đó, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, nhất là đối với những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch, cảnh giác khi nhận được các lời mời đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hay phái sinh quốc tế, khi giao dịch cần phải kiểm tra thông tin trên các sàn giao dịch (bao gồm cơ quan cấp phép, quản lý sàn, cơ chế giao dịch, quyền và nghĩa vụ các bên) để có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại về mặt tài sản.
Trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 16/8, bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast toàn cầu cũng đã lưu ý những hạn chế khi nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam nhu cầu giao dịch cổ phiếu VinFast trên đất Mỹ. "Về cơ bản thì nhà đầu tư có thể mở tài khoản và giao dịch trực tiếp trên sàn Mỹ, không ai cấm việc này cả nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế khi giao dịch ở thị trường nước ngoài", bà Thủy nói.
"Đợt vừa rồi chúng tôi đã làm việc với một số công ty chứng khoán để tìm ra phương án giúp các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam có thể tiếp cận được cổ phiếu của VinFast. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về pháp lý để thực hiện điều này", CEO VinFast nhấn mạnh rằng vẫn chưa có cách nào để giao dịch cổ phiếu VinFast thông qua các công ty chứng khoán trong nước. Như vậy, nhà đầu tư cá nhân chỉ có thể chọn cách giao dịch trực tiếp.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã từng khuyến cáo hình thức đầu tư gián tiếp vào chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài thông qua cá nhân hoặc tổ chức tự nhận là đại diện của sàn tại Việt Nam.
Theo đó, nhà đầu tư cần phải cảnh giác với những sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành.
Theo quy định pháp luật hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con thì không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.
Mới đây, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa điểm ra ba nhóm lừa đảo chính với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, dấu hiệu nhận diện sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, bất động sản, kinh doanh đa cấp có mục tiêu quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư và có nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất cao. Nhà đầu tư cần cần lưu ý nhận diện và phòng ngừa lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.
Một số dấu hiệu nhận diện, gồm: Lời hứa quá cao: Sàn đầu tư lừa đảo thường hứa lợi nhuận vượt trội, không thể tin được và quá cao so với thị trường thực tế; Thiếu thông tin minh bạch: Sàn không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, lịch sử giao dịch và nhân sự quản lý; Yêu cầu chuyển tiền trước: Sàn yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ; Thiếu sự kiểm soát và giám sát: Sàn không có sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý hoặc không được cấp phép hoạt động đúng quy định.