|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 11 - 15/10: Khối ngoại bán ròng đột biến hơn 2.600 tỷ đồng tại UPCoM từ giao dịch thỏa thuận cp MML

15:48 | 16/10/2021
Chia sẻ
Trong tuần thị trường tiếp tục xây nền tích lũy, khối ngoại bán ròng hơn 2.900 tỷ đồng trên toàn sàn. Trong đó, thị trường UPCoM đóng góp hơn 2.600 tỷ đồng giá trị bán ròng, tập trung ở giao dịch thỏa thuận hơn 23,1 triệu cổ phiếu MML của quỹ ngoại KKR.

Thị trường xây nền tích lũy trước ngưỡng cản tâm lý 1.400 điểm, khối ngoại giảm bán ròng tại HOSE

Sau phiên bùng nổ vào ngày đầu tuần, chỉ số liên tục xây nền tích lũy, đi ngang trong 4 phiên gần đây, một phần đến từ lực cung gia tăng tại kháng cự tâm lý 1.400 điểm. Đóng cửa tuần thứ 42 của năm 2021, VN-Index trải qua 3 phiên tăng điểm và 2 phiên giảm, có thêm 19,97 điểm tương đương 1,45% dừng lại ở mức 1.392,7 điểm.

Thanh khoản thị trường được cải thiện, với giá trị giao dịch bình quân tại HOSE đạt 21.362 tỷ đồng, tăng 8,5% so với tuần trước và tăng 3,1% so với trung bình 5 tuần gần nhất.

Dòng tiền hoạt động nhộn nhịp ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp hai nhóm này duy trì đà tăng, trong khi đó nhóm VN30 vẫn chưa bứt phá thành công đỉnh tháng 8 là một lực cản cho thị trường chung.

 - Ảnh 1.

Giao dịch của NĐT nước ngoài trên sàn HOSE tuần qua. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Thống kê giao dịch khối ngoại, mặc dù vẫn duy trì xu hướng bán ròng, điểm tích cực là quy mô rút ròng của vốn ngoại đã giảm nhẹ so với tuần trước. Lũy kế trong tuần, nhóm này bán ròng 211 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán qua khớp lệnh là 713 tỷ đồng, giảm hơn 64% so với tuần liền trước.

Đáng chú ý, nhóm này quay lại mua ròng 423 tỷ đồng tại HOSE trong phiên thứ Hai, khi nhóm ngân hàng, chứng khoán đồng thuận tăng giá giúp VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. Tương tự trong tuần trước, khối ngoại ghi nhận giao dịch tích cực hơn trong phiên cuối tuần và mua ròng nhẹ 85 tỷ đồng.

Tại HOSE: Khối ngoại chưa dừng chốt lời HPG nhưng mua gom cổ phiếu FMC, FPT

Tại HOSE, khối ngoại mua vào về giá trị là 8.681 tỷ đồng, nhưng bán ra về giá trị là 8.892 tỷ đồng. Mặc dù quy mô giao dịch tại HOSE gia tăng so với tuần trước, chiều mua gia tăng khiến nhóm này giảm bán ròng xuống mức hơn 211 tỷ đồng.

Thống kê theo nhóm ngành, các cổ phiếu nhóm viễn thông bất ngờ trở thành tâm điểm mua ròng tuần qua, thu hút hơn 471 tỷ đồng giá trị mua ròng. Kế tiếp, các nhóm bán lẻ và sản xuất thực phẩm cũng được mua ròng lần lượt 289 tỷ đồng và 225 tỷ đồng, theo sau là các cổ phiếu ngân hàng với 161 tỷ đồng.

Mặc dù biến động giá chung toàn ngành tăng 1,6%, tỷ trọng dòng tiền vào nhóm dịch vụ tài chính nhìn chung suy giảm, trong đó khối ngoại đã bán ròng hơn 610 tỷ đồng cổ phiếu nhóm này. Nối tiếp, nhà đầu tư ngoại cũng tập trung rút ròng ngành bất động sản (319 tỷ đồng) và kim loại (300 tỷ đồng).

Xét giao dịch cụ thể, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục là mã bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với tổng giá trị 393 tỷ đồng. Mặc dù áp lực chốt lời từ khối ngoại đã giảm hơn 63% so với tuần trước, đây là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất kể từ đầu năm với tổng giá trị lũy kế lên đến hơn 15.400 tỷ đồng.

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, hiện nay khối ngoại còn nắm giữ khoảng 1,13 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 25,3% vốn điều lệ Tập đoàn Hòa Phát. Tính theo thị giá hiện nay, khối cổ phiếu này có giá trị khoảng 65.200 tỷ đồng.

Nối tiếp, cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN bị bán ròng với giá trị 349 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là giao dịch bán ra 5 triệu đơn vị đã đăng ký từ ngày 13/10 của cổ đông lớn Tael Two Partners. Đây là lần bán ra cổ phiếu thứ ba của tổ chức ngoại này trong 2 tháng gần đây.

Với việc là nhóm bị xả ròng nhiều nhất, hai đại diện lớn của nhóm dịch vụ tài chính lần lượt góp mặt trong danh mục bán ròng là SSI của Chứng khoán SSI (282 tỷ đồng) và VND của Chứng khoán VNDirect (135 tỷ đồng). Theo sau, giao dịch cùng chiều tập trung ở một số mã gồm KBC (224 tỷ đồng), MSN (165 tỷ đồng), SBT (161 tỷ đồng), VNM (125 tỷ đồng)....

 - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua, hai mã thu hút dòng vốn ngoại lớn nhất trong tuần là FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta (487 tỷ đồng) và FPT của CTCP FPT (472 tỷ đồng).

Đáng chú ý, CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam vừa mua vào 9,7 triệu cp FMC trong hai ngày 11 - 12/10, qua đó trở thành cổ đông lớn sở hữu 16,56%. Trong đó, CTCP Tập đoàn PAN là bên bán ra hơn 5,4 triệu cổ phiếu.

Nối tiếp, dòng vốn ngoại tìm đến các cổ phiếu VRE (279 tỷ đồng), DPM (157 tỷ đồng), HSG (118 tỷ đồng), MBB (105 tỷ đồng)....

Tại HNX: Bán ròng hơn 100 tỷ đồng cổ phiếu SHS

Thống kê tại HNX, khối ngoại mua vào với giá trị 156,6 tỷ đồng nhưng bán ra với giá trị 219,3 tỷ đồng. Như vậy nhóm này kéo dài xu hướng bán ròng tại HNX với quy mô 62,67 tỷ đồng.

Đồng thuận với xu hướng rút ròng nhóm dịch vụ tài chính tại HOSE, cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội là mã bị rút ròng nhiều nhất với 100 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần trong tuần trước. Theo sau, khối ngoại cũng bán ròng 37,8 tỷ đồng cổ phiếu TNG, theo sau bởi các mã THD (19,8 tỷ đồng), PVS (6,7 tỷ đồng),...

 - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua, lực cầu vẫn tập trung mua gom 17 tỷ đồng cổ phiếu PVI của Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam, với quy mô mua ròng giảm 50% so với tuần trước. Kế tiếp, khối ngoại giải ngân mua ròng các mã BCC (14,8 tỷ đồng), BII (5,6 tỷ đồng), CEO (5,5 tỷ đồng)...

Thị trường UPCoM: Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh kỷ lục, tập trung ở giao dịch cổ phiếu MML

Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư ngoại có tuần bán ròng đột biến hơn 2.629 tỷ đồng tại UPCoM, chủ yếu từ giao dịch cổ phiếu MML của CTCP Masan MEATLife.

Cụ thể, mã này bị bán ròng hơn 2.548 tỷ đồng, tập trung chủ yếu trong phiên 11/10 khi thị trường UPCoM ghi nhận giao dịch thỏa thuận hơn 23,16 triệu đơn vị, khớp với giao dịch thoái vốn đã đăng ký trước đó của VN Consumer Meat II - quỹ thuộc KKR. Mặc dù thỏa thuận ở mức giá cao hơn giá thị trường 18%, theo ước tính quỹ này vẫn lỗ gần 40 triệu USD sau 4 năm đầu tư vào MML.

Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi trong cả 5 phiên giao dịch, nâng giá trị rút ròng lũy kế trong tuần lên 60,2 tỷ đồng.

 - Ảnh 4.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua, danh mục mua ròng không xuất hiện cổ phiếu nào thu hút trên 10 tỷ đồng vốn ngoại. Một số cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất lần lượt là ACV (7,3 tỷ đồng), BSR (5,8 tỷ đồng), VGG (3,9 tỷ đồng)...

Thảo Bùi