Từ kỳ lân tới zombie: Các công ty khởi nghiệp cạn kiệt thời gian và tiền bạc
WeWork huy động được 11 tỷ USD tiền tài trợ, trong khi Olive AI - một startup về chăm sóc sức khoẻ, huy động 852 triệu USD. Một startup khác về vận tải hàng hoá là Convoy huy động thành công 852 triệu USD và Veev - công ty khởi nghiệp về xây dựng nhà ở, đã được rót tổng cộng 647 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Điểm chung của các startup này là chỉ hơn một tháng qua, tất cả đều nộp đơn xin phá sản hoặc dừng hoạt động.
Đây là những thất bại gần nhất trong sự sụp đổ các công ty khởi nghiệp công nghệ mà giới phân tích cho rằng mọi thứ mới chỉ đang bắt đầu.
Cố gắng cầm cự bằng cách cắt giảm chi phí trong hai năm qua, nhiều công ty công nghệ từng rất có triển vọng hiện đang đứng trên bờ vực phá sản khi cạn kiệt cả thời gian và tiền bạc. Họ phải đối mặt với thực tế phũ phàng: Nhà đầu tư không còn hứng thú với những lời hứa hẹn.
Các nhà đầu tư mạo hiểm đang quyết định xem startup nào đáng được cứu và starup nào buộc phải đóng cửa hoặc bán đi để thu hồi vốn.
Tháng 8, Hopin - công ty khởi nghiệp huy động 1,6 tỷ USD và từng được định giá 7,6 tỷ USD, đã bán mảng kinh doanh chính của mình với giá 15 triệu USD. Tháng trước, starup bất động sản Zeus Living từng huy động được 150 triệu USD, thông báo sẽ dừng hoạt động.
Plastiq - một công ty fintech từng được rót vốn 226 triệu USD, đã phá sản vào tháng 5. Trong tháng 9, công ty sản xuất xe tay ga Bird huy động được 776 triệu USD đã bị huỷ niêm yết trên sàn New York vì thị giá quá thấp.
“Tất cả chúng ta nên chuẩn bị tinh thần để nghe nhiều về thất bại hơn”, nhà đầu tư Jenny Lefcourt tại Freestyle Capital, cảnh báo.
Rất khó để có được bức tranh đầy đủ về các khoản lỗ vì các startup công nghệ không bị bắt buộc phải công bố những thông tin này. Sự u ám của ngành công nghệ cũng bị che đậy bởi xu hướng bùng nổ trí tuệ nhân tạo - thứ vốn thu hút rất nhiều tiền bạc của các nhà đầu tư trong năm qua.
Theo PitchBook tổng hợp, khoảng 3.200 công ty Mỹ được hỗ trợ bởi liên doanh tư nhân đã phá sản trong năm nay. Những công ty này đã huy động được 27,2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm.
Phía PitchBook cho biết con số này không đầy đủ và có thể thấp hơn so với thực tế vì nhiều công ty phá sản trong im lặng.
Công ty cung cấp dịch vụ tài chính cho các startup Carta cho biết, có 87 doanh nghiệp trên nền tảng của họ từng huy động ít nhất 10 triệu USD, đã dừng hoạt động trong năm nay, tính đến hết tháng 10. Con số này gấp đôi cả năm ngoái.
“Đây là năm khó khăn nhất với các công ty khởi nghiệp trong vòng một thập kỷ qua”, Peter Walker tại Carta cho hay.
Các nhà đầu tư mạo hiểm cho rằng thất bại là chuyện bình thường, cứ mỗi công ty đóng cửa lại có một thành công vượt trội như Facebook hay Google. Nhưng khi nhiều công ty thoi thóp hoạt động trong nhiều năm qua đang có dấu hiệu sụp đổ, các nhà đầu tư dự đoán khoản thua lỗ sẽ thảm khốc hơn do lượng tiền mặt đổ vào quá lớn trong thập kỷ qua.
Trong giai đoạn 2012 - 2022, tổng số tiền đầu tư vào các startup của Mỹ tăng 8 lần, đạt 344 tỷ USD. Cơn lũ tiền này được thúc đẩy bởi lãi suất thấp và thành công trong lĩnh vực mạng xã hội và ứng dụng di động.
Trong giai đoạn đó, đầu tư mạo hiểm trở thành xu hướng - thậm chí cả 7-Eleven và "Sesame Street" cũng tung ra quỹ mạo hiểm - và số lượng các công ty "kỳ lân" trị giá 1 tỷ USD trở lên đã tăng đột biến từ vài chục lên hơn 1.000.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ các mô hình như Facebook và Google lại bế tắc đối với làn sóng khởi nghiệp tiếp theo - những công ty đã thử nghiệm các lĩnh vực kinh doanh chưa được kiểm chứng như công việc theo yêu cầu, vũ trụ ảo, vi mô và tiền điện tử.
Hiện, một số công ty đang chọn đóng cửa trước khi hết tiền, trả lại tiền thừa cho các nhà đầu tư. Số khác thì mắc kẹt trong trạng thái "zombie" - tồn tại nhưng không thể phát triển. Các nhà đầu tư cho biết, những startup như vậy có thể chật vật trong nhiều năm, nhưng khả năng cao sẽ gặp khó khăn trong việc huy động thêm tiền.
Convoy, công ty khởi nghiệp vận tải được định giá 3,8 tỷ USD, đã dành 18 tháng qua để cắt giảm chi phí, sa thải nhân viên và tìm cách thích ứng với thị trường khó khăn. Nhưng những nỗ lực đó vẫn chưa đủ.
Trong năm nay, khi tiền sắp cạn kiệt, họ đã tìm tới ba bên mua tiềm năng, nhưng tất cả đều rút lui. Ông Dan Lewis, coFounder kiêm CEO Convoy, cho biết, việc "đến gần thành công như vậy lại thất bại là một trong những điều khó khăn nhất".
Convoy ngừng hoạt động vào tháng 10.
Bà Ishita Arora sáng lập Dayslice - startup phần mềm, nói rằng bà phải đối mặt với thực tế không thu hút đủ khách hàng để đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Bà đã trả lại một phần số tiền huy động được.
Tương tự, Founder Gabor Cselle của Pebble - một starup mạng xã hội, chia sẻ ông cảm thấy bản thân đã khiến các nhà đầu tư thất vọng. Pebble đang trả lại cho các nhà đầu tư một phần nhỏ số tiền huy động được. "Đó là việc đúng đắn nên làm”, ông Cselle nói.
Cô Amanda Peyton ngạc nhiên trước phản ứng đối với bài đăng trên blog vào tháng 10 về "nỗi sợ hãi và cô đơn" khi đóng cửa Braid - fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán. Hơn 100.000 người đã đọc và cô nhận được rất nhiều tin nhắn động viên, cảm ơn từ đồng nghiệp.
Peyton nói rằng cô từng nhận thấy cơ hội và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực phần mềm là vô tận nhưng “hiện tại rõ ràng điều này là không đúng và thị trường có giới hạn”.
Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng nhẹ nhàng thúc giục một số nhà sáng lập nên cân nhắc từ bỏ, thay vì cố gắng lãng phí thời gian và công sức. Nhà đầu tư mạo hiểm Elad Gil cho biết: “Có lẽ tốt hơn là chấp nhận thực tế và giơ khăn trắng đầu hàng”.
Ông Dori Yona - sáng lập SimpleClosure - công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ giúp các startup khác thu hẹp hoạt động, nói rằng thật buồn khi thấy nhiều công ty phải đóng cửa. Nhưng việc giúp các nhà sáng lập tìm thấy điểm kết thúc, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trong giai đoạn khó khăn là công việc đặc biệt.
Ông nói thêm đây là một phần trong vòng tròn cuộc sống tại Thung lũng Silicon. "Nhiều người trong số họ đã bắt đầu khởi nghiệp lại với dự án tiếp theo”, ông nói.