|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từ hãng bay đến dịch vụ hàng không: Làm ăn ra sao khi thị trường chung giảm tốc?

05:08 | 31/05/2019
Chia sẻ
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán SSI nhận định ngành vận tải hàng không đã qua giai đoạn bùng nổ 2013 – 2017 và bước vào thời kỳ tăng trưởng ổn định, vận tải hành khách và hàng hóa cùng tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong năm 2019.

Theo thống kê của SSI, trong quí I/2019, tổng lượt khách qua các cảng hàng không trong hệ thống Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) đạt 27,75 triệu lượt, chỉ tăng 9,1% so với cùng kì 2018. Trong đó, khách quốc tế chiếm 62% và tăng 13%, khách trong nước tăng khiêm tốn 6,9%.

Tổng sản lượng hàng hóa và bưu kiện đạt 360.000 tấn, chỉ tăng 3,3%, sản lượng hàng trong nước giảm 1,4%, lần đầu tăng trưởng âm kể từ năm 2013, trong khi hàng quốc tế tăng trưởng 6% với tỉ trọng 65%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực suy yếu như điện thoại, hàng nông sản, thủy sản đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành vận tải hàng không.

Từ hãng bay đến dịch vụ hàng không: Làm ăn ra sao khi thị trường chung giảm tốc? - Ảnh 1.

Tăng trưởng vận tải hàng không hành khách (passenger) và hàng hóa (cargo) tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Nguồn: Chứng khoán SSI.

Vận tải hàng không: Bamboo Airways mới tham gia, Vietnam Airlines và Vietjet Air vẫn thống trị

Quý I năm nay thị trường vận tải hàng không nội địa có thêm hãng hàng không thứ 5 là Bamboo Airways, hãng đã mở khoảng 20 đường bay nội địa và đã khai trương đường bay quốc tế trong tháng 4 đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Cạnh tranh trên thị trường hàng không càng trở nên khốc liệt khi tăng trưởng chậm lại. Tổng số chuyến bay 5 hãng hàng không thực hiện được là 81.193 chuyến, tăng 9,5% so với quí I/2018. Trong đó, Bamboo Airways đã thực hiện 2.024 chuyến (chiếm 2,5% tổng số chuyến).

Số chuyến của Vietnam Airlines và Vietjet Air tăng tương ứng 2,8% và 15% cùng đạt khoảng hơn 33.000 chuyến, chiếm tỉ trọng 41% mỗi hãng, trong khi cả Jetstar và Vasco cùng sụt giảm, thị phần rơi về mức 10,8% và 4,1%.

Từ hãng bay đến dịch vụ hàng không: Làm ăn ra sao khi thị trường chung giảm tốc? - Ảnh 2.

Số chuyến bay 5 hãng hàng không trong nước thực hiện trong quí I/2019. Nguồn: Chứng khoán SSI.

Theo số liệu của SSI, thị trường trong nước bão hòa khiến các hãng hàng không chuyển hướng sang thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường trong khu vực Đông Bắc Á, riêng Vietjet Air tăng 38,5% số lượng đường bay quốc tế so với quí I/2018. Tỉ trọng khách quốc tế tăng nhanh chóng từ mức 29,4% trong năm 2016 lên 35,4% trong năm 2018 và 38% trong quí I/2019.

Doanh thu thuần của Vietnam Airlines và Vietjet Air tăng tương ứng 4,6% và 8,6%, trong đó doanh thu từ vận tải hành khách tăng 3,46% và 28% so với cùng kì năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp của cả hai hãng đều tăng tích cực nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm sang thị trường quốc tế, đồng thời giá nhiên liệu Jet A1 giảm 4% so với cùng kì.

Từ hãng bay đến dịch vụ hàng không: Làm ăn ra sao khi thị trường chung giảm tốc? - Ảnh 3.

Diễn biến giá nhiên liệu máy bay Jet A1 giai đoạn 5/2012 - 5/2019. Nguồn: IATA.

Đáng chú ý, cả hai hãng đều có nguồn thu từ hoạt động bán và cho thuê lại máy bay (Sale and Leaseback - SLB) trong kỳ. Vietnam Airlines ghi nhận chênh lệch 60 tỉ đồng bán 1 tàu bay trong khoản mục Thu nhập khác, trong khi Vietjet Air ghi nhận hoạt động bán 8 máy bay với 3.565 tỉ doanh thu và 2.641 tỉ giá vốn, lãi trước thuế 924 tỉ đồng.

Hoạt động tài chính của hai hãng khá ổn định. Tuy nhiên, Vietjet Air trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu PV Oil 140 tỉ đồng khiến chi phí tài chính tăng 79%. Lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines tăng 6,6% đạt 1.212 tỉ đồng, Vietjet Air tăng 7,1% đạt 1.462 tỉ đồng.

Dịch vụ hàng không: Phân hóa rõ nét

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ hàng không có sự phân hóa sắc nét. Là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) đạt tăng trưởng doanh thu tích cực 12,9% đạt 4.438 tỉ đồng nhờ sản lượng hành khách tăng 9,1% và hàng hóa tăng 3,3%.

Nhờ diễn biến tỉ giá JPY/VND thuận lợi, ACV không còn khoản lỗ tỉ giá 930 tỉ đồng như trong quí I năm ngoái và thay bằng khoản lãi tỉ giá 53 tỉ đồng, Hoạt động tài chính mang về gần 429 tỉ đồng, tăng trưởng 31% chủ yếu nhờ lãi tiền gửi tăng mạnh. Do vậy, lợi nhuận sau thuế của ACV quí vừa qua tăng hơn gấp đôi lên mức 1,997 tỉ đồng.

Theo thống kê của SSI, các doanh nghiệp hoạt động ở phía nam như CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Mã: SAS), CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) hay CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN) vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận. 

SAS có doanh thu tăng nhẹ 4,7% nhưng chi phí quản lí giảm giúp lợi nhuận ròng tăng gần 18%. Ngược lại chi phí quản lý của SGN tăng 20% khiến lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 4,8%. SCS đạt tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận với tỉ lệ 17% nhờ có thêm các khách hàng mới và mở rộng thị phần. 

Ở Đà Nẵng, Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Mã: MAS) phục hồi với tăng trưởng 12,1% lợi nhuận sau thuế sau khi hoàn thành tách nhà ga quốc tế trong năm 2017. 

CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 23% nhờ tích cực mở rộng hệ thống và công ty liên kết VinaCS chuyển từ lỗ thành lãi. 

Ở phía bắc, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT) chịu ảnh hưởng tiêu cực do sản lượng hàng hóa qua cảng Nội Bài giảm 1,7%, khiến doanh thu thuần của NCT giảm 6,8% và lợi nhuận sau thuế sụt 9,4%. 

CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (Mã: CIA) có doanh thu thuần giảm tới gần 45% sau khi khai trương nhà ga hành khách quốc tế T2 trong tháng 7/2018 và không còn hoạt động bán hàng miễn thuế, tuy nhiên chi phí quản lý tăng khiến lợi nhuận ròng giảm 78,1% chỉ còn 5 tỉ đồng. 

CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (Mã: NCS) có lãi sau thuế giảm 17,2% do cạnh tranh gia tăng và phát sinh chi phí lãi vay 5,6 tỉ đồng.

Chứng khoán SSI đánh giá, mặc dù gặp khó khăn do tình trạng quá tải ở các sân bay lớn và cạnh tranh ngày càng tăng, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không vẫn duy trì được mức tỉ suất lợi nhuận gộp cao. Diễn biến tỉ giá và giá dầu cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực trong thời gian qua.

Song Ngọc

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.