|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cục Hàng không chưa đồng ý mở rộng đội tàu bay lên 40 chiếc, Bamboo Airways nói gì?

08:19 | 20/05/2019
Chia sẻ
Phó Chủ tịch Bamboo Airways - ông Đặng Tất Thắng mới đây đã chia sẻ với chúng tôi xung quanh những lí do mà Cục Hàng không chưa đồng ý cho hãng nâng qui mô đội tàu bay lên 30 chiếc vào cuối năm 2019.

Mới đây Cục Hàng không Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đề xuất nâng qui mô đội tàu bay của Hãng hàng không Bamboo Airways, từ 10 chiếc như hiện nay lên 40 chiếc vào cuối năm 2019.

Theo đó, Cục Hàng không tạm thời chưa ủng hộ đề xuất này, một phần lí do là tổng số tàu bay Việt Nam sau khi tăng thêm sẽ vượt quá năng lực giám sát của Cục.

Về vấn đề này, ông Đặng Tất Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Bamboo Airways cho biết trong lịch sử hàng không Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào bị cơ quan quản lí từ chối mở rộng vì lí do vượt quá năng lực giám sát. Vì vậy Bamboo Airways hi vọng Cục Hàng không sẽ có sự cải thiện về nhân lực để đáp ứng được nhu cầu phát triển của hãng.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với lí do này của Cục Hàng không: "Xã hội phát triển, doanh nghiệp phát triển không phụ thuộc vào năng lực quản lí của Nhà nước. Cơ quan nhà nước luôn phải phúc đáp nhu cầu doanh nghiệp, không thể hạn chế doanh nghiệp vì chưa đủ năng lực quản lí". 

Ngoài vấn đề năng lực giám sát, Cục Hàng không còn có một số băn khoăn khác trong việc Bamboo Airways mở rộng đội tàu bay và nhận thấy cần xem xét một cách kĩ lưỡng, thấu đáo trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhu cầu thị trường, sự phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng hàng không cũng như từ khía cạnh năng lực của Bamboo Airways. 

Cục Hàng không cho biết mình chỉ đảm bảo quản lí được đến 256 tàu bay đăng kí quốc tịch Việt Nam (bao gồm cả các tàu bay trực thăng và tàu bay hàng không chung).

Kế hoạch mở rộng đội tàu bay của Bamboo Airways cùng với dự tính nhận tàu bay của các hãng hàng không khác tại Việt Nam sẽ nâng tổng số tàu bay mang quốc tịch Việt Nam thời điểm 31/12/2019 lên 277 chiếc, vượt quá 21 chiếc so với năng lực giám sát của Cục Hàng không đã được phê duyệt.

Cục Hàng không cho biết sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT sau khi Bamboo Airways đã có văn bản giải trình và cung cấp các tài liệu đảm bảo khả năng khai thác đội tàu bay đến 40 chiếc trong năm 2019 và đánh giá của Cục Hàng không về vấn đề này.

Trong số các băn khoăn này, nguồn nhân lực của Bamboo Airways là vấn đề thu hút được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Cụ thể, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã gửi văn bản đóng dấu "Mật" tới Bộ GTVT, cáo buộc Bamboo Airways có hành vi "giành giật" đội ngũ phi công đội tàu bay Boeing 787 của mình, có thể gây thiệt hại mỗi năm hàng nghìn tỉ đồng. Bamboo Airways sau đó lên tiếng phản bác, cho rằng mình tuyển dụng công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường.

Trao đổi với chúng tôi bên lề một sự kiện hàng không mới đây, ông Đặng Tất Thắng cho biết đội ngũ nhân sự của Bamboo Airways hiện nay có gần 3.000 người, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài ở nhiều vị trí: phi công, tiếp viên, kĩ thuật viên, nhân viên mặt đất, …

Dự kiến trong quí III/2019, Bamboo Airways sẽ khánh thành trung tâm đào tạo tại Vĩnh Phúc để bắt đầu đào tạo phi công và tiếp viên. Trong dài hạn, hãng dự định mở trung tâm đào tạo, học viện hàng không ở Qui Nhơn, Quảng Ninh và Hải Phòng.

Trước tình trạng nguồn nhân lực trong nước còn hạn chế, ông Thắng cho biết Bamboo Airways đặt mục tiêu xây dựng môi trường làm việc quốc tế, hướng đến việc tuyển dụng lao động quốc tế. "Ngôn ngữ chính thức tại Bamboo Airways là Tiếng Anh", ông Thắng chia sẻ.

Cụ thể, trong khoá tuyển dụng K9 mới đây của Bamboo Airways, 70% ứng viên có quốc tích đến từ nước ngoài Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Tính trên tổng số nhân sự của Bamboo Airways hiện tại, có khoảng 30% không mang quốc tịch Việt Nam, ông Thắng tiết lộ.

Cục Hàng không chưa đồng ý mở rộng đội tàu bay lên 40 chiếc, Bamboo Airways nói gì? - Ảnh 3.

Ông Đặng Tất Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways.

Về băn khoăn liên quan đến cơ sở hạ tầng, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng hạn chế qui mô đội bay của doanh nghiệp vì không có bãi đỗ, đường băng … là "vô trách nhiệm, vì xây hạ tầng sân bay là việc của nhà nước, Nhà nước phải làm để thúc đẩy ngành. Nói như vậy là kìm hãm sự phát triển của ngành hàng không".

Ông Đặng Tất Thắng thì cho biết Bamboo Airways và công ty mẹ là Tập đoàn FLC sẵn sàng đầu tư xây mới sân bay để giải quyết điểm nghẽn hạ tầng nếu được nhà nước cho phép, đồng thời cam kết làm xong trong vòng 2 năm kể từ khi có mặt bằng sạch.

Trước đó, Tập đoàn FLC đã từng gửi văn bản đến Bộ GTVT, đề nghị được giao đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, tuy nhiên dự án này sau đó đã được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Đức Quyền