|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh tập trung bán ròng cổ phiếu BĐS, ngân hàng ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

16:04 | 31/01/2022
Chia sẻ
Tuần giao dịch 24 - 28/1, giao dịch của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tỏ ra kém sắc khi khối này chuyển hướng bán ròng 367 tỷ đồng. Trong đó, tâm điểm rút vốn là nhóm bất động sản, ngân hàng.
Tự doanh tập trung bán ròng cổ phiếu BĐS, ngân hàng ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Mở đầu tuần 24 - 28/1 với tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ dài ngày, VN-Index bất ngờ đổ dốc hơn 30 điểm. Tuy nhiên ngay phiên sau đó chỉ số đã lấy lại toàn bộ điểm số đã mất. Trong 3 phiên còn lại của tuần, chỉ số chính sàn HOSE diễn biến giằng co với 2 phiên tăng và 1 phiên giảm.

Đóng cửa tuần giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu, VN-Index tăng 6,07 điểm, tương ứng tăng 0,41% so với tuần trước đó và dừng chân ở mốc 1.478,96 điểm.

Nhóm ngân hàng tiếp tục là bệ đỡ quan trọng, với 7/10 mã trong nhóm ảnh hưởng tích cực đến thị trường. Thống kê cho thấy nhóm này đã giúp VN-Index tăng 12,7 điểm. 

Ba vị trí còn lại thuộc về các đại diện nhóm địa ốc như VIC, VRE và BCM. Chiều giảm điểm tiếp tục ghi nhận nhiều midcap bất động sản, điển hinh như DIG giảm 17,4%, VCG giảm 13,8%.

Khối ngoại có tuần mua ròng 4/5 phiên với giá trị hơn 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, giao dịch của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tỏ ra kém sắc khi khối này chuyển hướng bán ròng 367 tỷ đồng. Hoạt động rút vốn của khối tự doanh chính thức ngắt mạch mua ròng liên tục trong 4 tuần trước đó.

 - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tâm điểm bán ròng cổ phiếu bất động sản, ngân hàng  

Theo thống kê từ Fiinpro, nếu tính riêng giao dich khớp lệnh thì khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng gần 448 tỷ đồng.

Diễn biến theo nhóm cổ phiếu, ngành bất động sản chịu áp lực bán mạnh nhất của khối tự doanh với giá trị rút ròng gần 430 tỷ đồng. Như vậy, có sự thay đổi vị thế giao dịch của bộ phận tự doanh ở ngành địa ốc khi tuần trước đó họ vẫn gom ròng hơn 66 tỷ đồng. Việc chuyển hướng chốt lời diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu bất động sản hồi phục nhẹ sau hai tuần bán tháo trước đó.

Bên cạnh đó, khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 379 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng qua kênh khớp lệnh. Ngoài hai ngành kể trên, dòng tiền tự doanh còn rút khỏi một số nhóm khác như công nghệ thông tin, dầu khí, thép, thực phẩm & đồ uống, du lịch & giải trí,... với giá trị thấp hơn.

Chiều ngược lại, khối tự doanh tập trung rót tiền vào nhóm dịch vụ tài chính với giá trị mua ròng gần 195 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tự doanh cũng chuyển hướng gom ròng 92,4 tỷ đồng cổ phiếu xây dựng & vật liệu sau tuần bán ròng nhẹ trước đó. Hoạt động giải ngân còn được chứng kiến tại các ngành hàng cá nhân & gia dụng, hàng & dịch vụ công nghiệp,...

 - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh chủ yếu chốt lời loạt bluechips

Top10 mã thu hút dòng vốn tự doanh trong tuần 24 - 28/1, nổi bật có E1VFVN30 với giá trị 167,3 tỷ đồng. Một chứng chỉ quỹ khác là FUEVFVND cũng được bộ phận tự doanh công ty chứng khoán gom ròng 34 tỷ đồng.

Tại thị trường cổ phiếu, giao dịch tại chiều mua của khối tự doanh tuần qua không có nhiều điểm nhấn do không mã nào được gom ròng trên trăm tỷ đồng. Hoạt động giải ngân khá phân tán chứ không tập trung vào một vài nhóm ngành cụ thể. Danh mục mua ròng có sự góp mặt của nhiều ngành khác nhau, từ bán lẻ, xây dựng, cao su, thép, đến nông nghiệp,...

Thống kê cụ thể theo từng mã, cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận dẫn đầu về giá trị mua ròng với 82,3 tỷ đồng. Thị giá mã này có nhịp tăng gần 9% trong tuần qua, đóng cửa phiên thứ Sáu tại 104.000 đồng/cp. Kế đến, tự doanh gom ròng 51,2 tỷ đồng cổ phiếu HHV của Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả. 

Ngoài ra, hoạt động mua ròng còn xuất hiện ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như REE, PHR, HSG, HNG và MWG.

 - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 24 - 28/1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều bán ra, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc bị khối tự doanh công ty chứng khoán thẳng tay xả 145,4 tỷ đồng.

Trong tài liệu ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2022 công bố mới đây, Kinh Bắc ước tính tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 4.190 tỷ đồng, tăng 69,8 % so với năm 2020 và tương đương 69,8 % so với kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế năm 2021 ước đạt 900 tỷ đồng, tăng 181,4 % so với cùng kỳ và tương đương thực hiện được 45 % so với kế hoạch. Lãi ròng cả năm đạt 730 tỷ đồng.

Trở lại với giao dịch của khối tự doanh, trong tuần VN-Index diễn biến lình xình, Top10 bán ròng chủ yếu có sự góp mặt của các cổ phiếu trụ như VCB, VPB, VHM, MBB, TCB, VNM và STB bị rút ròng với giá trị 40 - 76 tỷ đồng.

Thu Thảo

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...