|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Duy nhất cổ phiếu ngân hàng gồng đỡ thị trường tháng giáp Tết, các ngành khác chỉ đi ngang hoặc cắm đầu

10:09 | 31/01/2022
Chia sẻ
Cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là nhóm quốc doanh, hỗ trợ tích cực cho VN-Index trong tháng đầu năm 2022. Triển vọng cả năm nay của TCB, VCB, CTG, MBB, ... có nhiều điểm sáng.
Duy nhất cổ phiếu ngân hàng gồng đỡ thị trường tháng giáp Tết, các ngành khác chỉ đi ngang hoặc cắm đầu - Ảnh 1.

Một chi nhánh BIDV tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Cổ phiếu ngân hàng sôi động trở lại

Trong một tháng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, VN-Index giảm 1% và kết phiên 28/1 ở gần 1.479 điểm. Thị trường có nhiều phiên biến động mạnh trên 2% như ngày 17, 24 hay 25/1.

Duy nhất cổ phiếu ngân hàng gồng đỡ thị trường tháng giáp Tết, các ngành khác chỉ đi ngang hoặc cắm đầu - Ảnh 2.

VN-Index có nhiều phiên biến động trên 1%, thậm chí trên 2%.

Theo thống kê của Algo Platform, trong top 15 cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index kể từ Tết Dương lịch 2022 tới Tết Âm lịch, nhóm ngân hàng đóng góp tới 9 mã. Nếu chỉ xét trong top 10 cũng có tới 9 cổ phiếu thuộc về các nhà băng.

Giúp VN-Index tăng nhiều nhất là cổ phiếu hai ngân hàng quốc doanh BID của BIDV và VCB của Vietcombank. CTG của VietinBank cũng có tên trong top 10. 

Sau thời gian dài ngồi nhìn các cổ phiếu ngân hàng cổ phần tăng trưởng mạnh mẽ, ba đại gia này đã rủ nhau "chạy" trong tháng 1, tạo lợi nhuận ấn tượng. BID tăng hơn 29% so với ngày đầu năm 2022, VCB và CTG cũng cao hơn lần lượt 13% và 9%.

Kết phiên cuối cùng của năm Tân Sửu, BID dừng ở 47.950 đồng/cp, sát với đỉnh lịch sử 49.000 mới thiết lập ít ngày trước. Ba cổ phiếu ngân hàng lập đỉnh mới cuối phiên 28/1 là EIB của Eximbank, MBB của Ngân hàng Quân Đội, STB của Sacombank.

Duy nhất cổ phiếu ngân hàng gồng đỡ thị trường tháng giáp Tết, các ngành khác chỉ đi ngang hoặc cắm đầu - Ảnh 3.

BID giúp VN-Index tăng 0,93% trong tháng 1/2022, tích cực nhất toàn thị trường.

Thống kê các nhóm ngành theo bộ chỉ số Sector Index của HOSE cho thấy tài chính (bao gồm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) là nhóm duy nhất có tăng trưởng trong tháng vừa qua.

Tuy nhiên, đà tăng thực tế chủ yếu đến từ ngành ngân hàng do có tới 8/12 cổ phiếu bảo hiểm và 30/32 cổ phiếu chứng khoán sa sút. Trong tổng số 27 cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, 20 mã hiện có giá cao hơn so với cuối năm 2021, 7 mã còn lại giảm giá nhưng mức giảm không lớn và vốn hóa cũng thuộc loại nhỏ.

Duy nhất cổ phiếu ngân hàng gồng đỡ thị trường tháng giáp Tết, các ngành khác chỉ đi ngang hoặc cắm đầu - Ảnh 4.

Cổ phiếu tiện ích (điện, nước, xăng dầu, khí đốt) đi ngang. Các nhóm ngành còn lại như bất động sản, hàng tiêu dùng, công nghệ, y tế, … đều diễn biến tiêu cực.

Nhóm vật liệu và công nghiệp thậm chí lao dốc trên 10%. Một số thành viên lớn trong chỉ số vật liệu là Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Cao su (GVR), Thép Pomina (POM), … Các cổ phiếu công nghiệp lớn bao gồm nhiều đại diện ngành xây dựng và sản xuất như Coteccons (CTG), FLC Faros (ROS), Tập đoàn Gelex (GEX), Vinaconex (VCG), Viglacera (VGC), …

Triển vọng cổ phiếu ngân hàng khả quan

Nửa đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng liên tục phá đỉnh và hỗ trợ đắc lực cho VN-Index lập các kỷ lục mới. Tuy nhiên trong nửa sau của năm, nhóm ngân hàng diễn biến tiêu cực do làn sóng dịch COVID-19 thứ tư làm gia tăng các bất ổn về chất lượng tài sản và lợi nhuận.

Mặc dù vậy, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vẫn tin tưởng rằng các ngân hàng có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và xử lý các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19. Các ngân hàng trong danh mục mà VCSC theo dõi được dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 31% trong năm 2022.

Techcombank (Mã: TCB) nhiều khả năng sẽ hưởng lợi lớn khi là một trong những ngân hàng cung cấp dịch vụ cho vay mua nhà lớn nhất tại Việt Nam. VCSC nhận định giải ngân vay mua nhà sẽ tăng vào năm 2022 với ít sự gián đoạn do giãn cách xã hội.

Các khoản đầu tư vào công nghệ sau IPO vào năm 2018 (ví dụ như hệ thống ngân hàng giao dịch và triển khai dịch vụ môi giới kỹ thuật số tại Techcom Securities) được dự báo sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của Techcombank năm 2022.

Với VPBank (Mã: VPB), VCSC nhận định 2022 là một năm nhiều thuận lợi, ngân hàng sẽ hoàn thành việc chốt nhà đầu tư chiến lược và tiếp tục đạt được tiến triển trong việc giảm chi phí vốn thông qua cải thiện CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và huy động nhiều nguồn vốn từ nước ngoài hơn.

Ngoài ra, ngành tài chính tiêu dùng sẽ trở lại mức tăng trưởng tín dụng khoảng 13-15% sau hai năm tăng trưởng tín dụng dưới 10%/năm.

Với Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã: MBB), VCSC cho rằng định giá vẫn đang ở mức chiết khấu so với một cổ phiếu ngân hàng khác là ACB trong khi MBB đã vượt ACB về tăng trưởng tín dụng trong năm 2021. Việc MBB giảm tỷ lệ cho vay tại các doanh nghiệp nhà nước và thay thế bằng cho vay các dự án điện sẽ làm giảm rủi ro và tăng biên lãi thuần (NIM) của MBB năm nay.

Duy nhất cổ phiếu ngân hàng gồng đỡ thị trường tháng giáp Tết, các ngành khác chỉ đi ngang hoặc cắm đầu - Ảnh 6.

VCSC còn cho rằng NIM của các ngân hàng quốc doanh sẽ phục hồi nhanh hơn so với các ngân hàng tư nhân do trong năm 2021, nhóm quốc doanh đã phải dùng một phần thu nhập lãi để hỗ trợ nền kinh tế.

Tăng trưởng thu nhập phí ròng (NFI) tại các ngân hàng quốc doanh cũng được kỳ vọng cao hơn tại nhóm cổ phần nhờ hai lý do.

Thứ nhất, các chương trình hỗ trợ thông qua giảm phí ở nhóm quốc doanh sẽ ít đi trong năm 2022.

Thứ hai, doanh số bán bancasurrance của Vietcombank nhiều khả năng sẽ tăng từ mức thấp của năm 2021 và VietinBank bắt đầu bán các sản phẩm bancasurrance của Manulife vào năm 2022.

Song Ngọc